Video Phóng sự VOV

Học sinh bị tai nạn trong trường học: Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên tiếp các vụ tai nạn xảy ra tại trường học thời gian gần đây khiến nhiều học sinh chết và bị thương khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều người đau xót đặt câu hỏi: “Vì sao sau những vụ việc này, người chịu thiệt thòi vẫn chỉ là trẻ nhỏ và gia đình các em?”
20:15 - 15/09/2020

Đây là hình ảnh tại cổng trường phân hiệu Bản Phung, xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai)… Cổng trưởng bất ngờ đổ sập khiến 3 học sinh tử vong và 3 học sinh bị thương vào khoảng 13h30 ngày 7/9. Vụ tai nạn xảy ra ở thời điểm năm học 2020 -2021 vừa mới bắt đầu được 2 ngày. Nguyên nhân sự việc được xác định là một nhóm học sinh đến trường học buổi chiều, trong lúc chờ vào lớp, một số học sinh rủ nhau chơi trò đu cánh cổng. Do có nhiều học sinh đu bám, trụ cổng và cánh cổng trường đã bị đổ sập. UBND huyện Văn Bàn đã chỉ đạo khẩn trương rà soát về tổng quan cơ sở vật chất của tất cả các trường học trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đang làm rõ sự việc.

Từ đầu năm học 2020 - 2021 liên tiếp xảy ra vụ việc tai nạn thương tâm tại trường học… Cũng tại Lào Cai, sáng 10/9, tại trường tiểu học Kim Đồng đã xảy ra vụ tai nạn một học sinh trong lớp học bị quạt trần rơi trúng đầu phải nhập viện. Còn tại Nghệ An, sáng 11/9, tại trường tiểu học Nam Lộc (xã Tân Thượng Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An) xảy ra sự việc tường nhà dân đổ khiến một học sinh tử vong… 

Trước hàng loạt vụ việc học sinh bị tai nạn thương tâm trong trường học xảy ra trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh. Thế nhưng ở một số trường học, do tắc trách, lơ là, chủ quan không thực hiện nghiêm túc dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng vẫn cứ xảy ra.

Đau xót trước hàng loạt vụ tai nạn thương tích, học sinh tử vong tại trường học vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra các vụ tai nạn học sinh bị thương, tử vong trong phạm vi trường học, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường. Bởi việc rà soát cơ sở vật chất trong đó có hệ thống điện, cây xanh, tường, trần lớp học và các thiết bị… là công việc phải thường xuyên kiểm tra, rà soát. Nếu chưa khắc phục được ngay phải có cảnh báo, khuyến cáo tới toàn bộ giáo viên, nhân viên và học sinh

Dù kết quả giải quyết như thế nào, có ai bị chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không thì đây cũng là bài học cho các trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo khi mới bắt đầu năm học các cháu nhỏ đã gặp phải tai nạn thương tâm như thế này. 

Dẫu những vụ tai nạn là hi hữu và không ai mong muốn, tuy nhiên, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần đưa ra những quy định mới cụ thể, chặt chẽ hơn, đồng thời gắn trách nhiệm lớn hơn của nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng đối với công tác phòng chống tai nạn học đường để trường học thực sự là một nơi an toàn, xứng đáng là nơi gửi gắm của phụ huynh học sinh tới nhà trường./.

Thực hiện: Ngọc Hòa - Đức Thành

Mời quý vị xem các Phóng sự VOV đã phát sóng tại đây./.