Dù ai buôn xa bán xa
20 tháng 8 giỗ Cha thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
20 tháng 8 nhớ về Đào Thôn
Câu ca ấy đã đi vào tiềm thức của người dân đất Việt, nhắc nhớ về vị vua cha được truyền tục từ ngàn đời nay gắn với những câu chuyện huyền tích anh linh trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc ta. Vị vua cha trong câu ca chính là Vua Cha Bát Hải hay Vĩnh Công Đại Vương, người được phụng thờ tại đền Đồng Bằng.
Nằm bên dòng sông Mai Diêm bình yên thuộc trang Đào Động xưa, nay là thuộc làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ngôi đền còn được gọi là đền Đức Vua, hay “Bát Hải động đình”, tức là ngôi đền chung của 8 động (hay 8 trang) vùng cửa biển, nhưng dân gian vẫn quen gọi theo địa danh vùng đất là đền Đồng Bằng.
Theo thần tích đền Đồng Bằng, Vĩnh Công Đại Vương có công nuôi dưỡng và thu phục thủy quái, gắn với việc chống lụt nên được dân khắp nơi tôn sùng dưới dạng một hóa thân của các vua cha sáng tạo kể trên – Vua Cha Bát Hải. Tục truyền rằng, vào đời Hùng Vương thứ 18, nước ta bị giặc ngoại bang xâm lấn, triều đình phải lập đàn để triệu linh sơn tú khí về giúp nước dẹp giặc. Khi ấy thủy thần làng Đào Động đã hiện thân phò vua dẹp giặc và có công trấn giữ 8 cửa biển phía tây. Ngài được sắc phong là “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Thượng Đẳng Thần”.
Từ một ngôi miếu nhỏ, tới thế kỷ thứ 10 thời Tiền Lê, đền Đồng Bằng được xây dựng mở rộng thành 5 cung và 4 ban thờ công đồng, và được liệt vào “tứ cổ cảnh”.
Đến mảnh đất An Lễ hôm nay, tới quần thể di tích đền Đồng Bằng, du khách gần xa có dịp cảm nhận những vẻ đẹp của kiến trúc mang nét xưa dáng cũ, cùng với những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại về vị Vua Cha Bát Hải có công dẹp giặc mang lại bình yên cho con dân Lạc Việt. Những câu chuyện huyền tích đó không chỉ thể hiện khát vọng hòa bình của người dân Việt thuở sơ khai mà còn là ước nguyện của hôm nay và mai sau.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.