Kim Lan - Làng gốm cổ bên sông Hồng
Làng gốm cổ Kim Lan thuộc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chỉ cách làng Bát Tràng qua một dòng kênh Bắc Hưng Hải. Qua khai quật tại di chỉ bãi Hàm Rồng vào các năm 2001 và 2003, cơ quan chức năng xác định, nghề gốm Kim Lan có từ thế kỷ VIII và phát triển hưng thịnh đến thế kỷ XVIII. Sản phẩm gốm Kim Lan thời kì đó được được xếp vào hàng những sản vật quý cùng lụa, gấm, châu, ngọc. Và xuất khẩu đi cả các thị trường nước ngoài như Đài Loan, Indonesia…
Những năm 1990, Kim Lan có khoảng 750 lò sản xuất gốm sứ, chủ yếu làm bát đĩa nhưng đến những năm 2010, gốm sứ lại gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm khác trên thị trường nên số hộ làm gốm giảm dần. Trước khó khăn, một số hộ dân mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất bằng lò than truyền thống sang sản xuất bằng lò gas. Các sản phẩm cũng đa dạng hơn, bên cạnh hàng mỹ nghệ, người dân tập trung sản xuất sản phẩm dân dụng, đồ thờ cúng, lọ hoa, chậu hoa, gạch ngói xây dựng… Hiện, toàn xã Kim Lan có khoảng 400 lò gốm. Hàng nghìn hộ dân tham gia vào một trong các công đoạn của nghề. Giá trị kinh tế từ gốm sứ mang lại mỗi năm ước khoảng 500 tỷ đồng, chiếm hơn 75% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã Kim Lan.
Nếu như Bát Tràng nổi tiếng với sản phẩm gốm mỹ nghệ thì Kim Lan được coi là quê hương của đồ gốm gia dụng. Điều làm nên sự khác biệt của gốm Kim Lan đó là sản phẩm không cầu kì về chi tiết mà đơn giản, hài hòa, tạo sự tiện dụng. Các sản phẩm của làng gốm phong phú và đa dạng, từ kích thước nhỏ như ống đựng tăm, chân nến cho tới cỡ lớn như vại muối dưa, đôn, chậu cây cảnh… Ngoài bát đĩa, ấm chén và những đồ thông dụng trong đời sống hàng ngày, nghệ nhân gốm Kim Lan còn sản xuất những sản phẩm giá trị như độc bình, lư, đỉnh, đèn thờ… với hai loại men truyền thống là men ngọc, men rạn.
Được biết, xã Kim Lan cũng đã thành lập được hội gốm sứ, có hợp tác xã chuyên ngành về gốm sứ để đại diện ký hợp đồng tiêu thụ với các đối tác. Bên cạnh đó, địa phương hỗ trợ chủ thể là thành viên hội, hợp tác xã tiếp cận các kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ như tham gia các hội chợ, tuần hàng... do TP Hà Nội tổ chức. Đặc biệt, những năm gần đây, xã hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm để tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện, nhiều sản phẩm gốm sứ của làng Kim Lan đã được UBND TP Hà Nội đánh giá, công nhận đạt 4 sao OCOP. Đây chính là sự ghi nhận, khẳng định về chất lượng và mẫu mã của gốm sứ Kim Lan, tạo điều kiện để sản phẩm nơi đây ngày một phát triển.
Từ việc đứng trước nguy cơ bị thất truyền, đến nay, Kim Lan đã khôi phục và thành công trong việc gìn giữ nghề tổ, không chỉ xuất hàng đi các tỉnh/thành trong cả nước mà đã có nhiều đơn hàng đi nước ngoài, thu về hàng chục tỷ đồng, đặc biệt dịp cận tết Nguyên Đán. Trong thời gian tới, bằng những nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, hy vọng gốm sứ Kim Lan sẽ ngày càng phát triển, ghi dấu nhiều hơn nữa vào thị trường, góp phần nâng cao giá trị một vùng nguồn cội của nghề gốm, khẳng định tinh hoa Làng gốm nghìn năm tuổi.
Thực hiện: Ngọc Hoà – Ngọc Toàn