Video Làng nghề Việt

Làn gió mới ở làng gốm Bát Tràng

Hơn 500 tuổi, danh tiếng gốm Bát Tràng vẫn là thứ không gì có thể thay thế. Đó là nhờ những sản phẩm thủ công nổi tiếng khắp cả nước về chất lượng và mẫu mã cùng tình yêu nghề đắm say của những thế hệ kế cận.
18:53 - 09/11/2021

Làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Nhưng dấu xưa vẫn còn đây trên những gốc đa xù xì ăn sâu vào những mảng tường đã rêu xanh cùng thời gian.

Được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc nhất của Thăng Long xưa, gốm Bát Tràng giờ vẫn là niềm tự hào lớn nhất của người dân nơi đây. Hơn 500 năm tồn tại và phát triển, danh tiếng làng nghề đã nổi như cồn khắp trong Nam ngoài Bắc và là địa chỉ gần như du khách phương xa nào thăm đất Bắc cũng nhất định phải ghé qua một lần. Rồi theo chân du khách, những sản phẩm gốm Bát Tràng có mặt ở mọi nơi trên đất nước ta.

Trải qua hàng trăm năm phát triển, với những giai đoạn thăng trầm khác nhau, hiện nay, xã Bát Tràng có trên 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất kinh doanh gốm sứ đang hoạt động. Những lò nung gốm vẫn hoạt động ngày đêm, tiếp nối ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết và đầy sáng tạo của ông cha. 

Ở Bát Tràng, những thợ làm gốm nhiều năm kinh nghiệm vẫn trung thành với nghệ thuật gốm vuốt tay thủ công. Chỉ với đôi tay mềm mại, khéo léo, và tài hoa, người thợ gốm đã nhanh chóng biến những cục gốm vô tri vô giác thành những sản phẩm gốm mang hồn riêng của đất. Bàn tay của người thợ gốm vượt qua những giới hạn mang tính công thức, tính khuôn mẫu và chính xác của các thiết bị máy móc lạnh lẽo. Người thợ gốm được thỏa sức sáng tạo, theo đuổi đam mê vuốt - nặn theo dòng cảm xúc, ý tưởng của bản thân. Và nhờ đó, mỗi sản phẩm đều có một vẻ đẹp riêng, dẫu có cùng kiểu dáng thì vẫn khác nhau.

Gốm Bát Tràng nổi tiếng đẹp nhờ có cốt gốm dày dặn và đặc biệt là màu men giản dị nhưng quyến rũ lạ thường. Theo các nghệ nhân ở đây cho biết, gốm Bát Tràng có năm dòng men đặc trưng là men lam, men xanh rêu, men nâu, men trắng ngà, và men rạn. Cách pha chế men gốm được xem như phương thức bí truyền của từng dòng họ. 

Điều này giải thích cho giai đoạn phát triển cực thịnh của gốm Bát Tràng vào thế kỉ XV – XVII khi các thuyền buôn lần lượt đưa gốm Bát Tràng đến Nhật Bản cũng như nhiều nước ở Đông Nam Á và Nam Á.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà như ấm chén, bát đĩa, bình lọ, đồ trang trí... nhiều nghệ nhân, thợ giỏi ở Bát Tràng với bàn tay khéo léo cùng kinh nghiệm được truyền thụ qua bao thế kỷ đã sáng tạo ra các sản phẩm gốm sứ độc đáo./.