Ban đầu, chùa Đống Cao chỉ là một miếu nhỏ có tên “Đống Cao địa kỳ” để thờ thần linh, tế lễ trời đất. Đến năm 1304, trong một lần hạ sơn chu du qua trấn Hải Dương, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã dừng chân và nhận thấy nơi đây có thế đất “Hoàng Quy vọng nguyệt, Phượng múa Long triều” sẽ sản sinh ra hiền tài. Ngài đã sắc chỉ khuyên dân chúng “Cải từ vi tự” (tức chuyển miếu thành chùa), đem giáo lý thập thiện để truyền dạy cho dân trong vùng. Từ đây “Đống Cao địa kỳ” trở thành “Đống Cao cổ tự”. Ngôi chùa gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm thời Trần và Thiền phái Trúc Lâm – Lâm Tế thời Hậu Lê.
Các bức tượng lớn tạo ấn tượng giữa khuôn viên chùa Đống Cao. Đây là các pho tượng Đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Phật Thích Ca Mâu Ni và 2 vị tôn giả A Nan, Ca Diếp. Hai bên chính điện có các pho tượng La hán tạc bằng đá được đặt ven lối đi. Một bên là 18 vị La hán theo truyền thừa Ấn Độ, một bên là 9 vị La hán – là các vị danh tăng của Việt Nam như Tổ Vạn Hạnh - người đã có vai trò to lớn trong quá trình giáo dưỡng, truyền thụ tri thức và đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập nên vương triều Lý; Tổ Khương Tăng Hội - người đầu tiên đưa dòng phái thiền vào Việt Nam…
Phía sau chùa chính là tòa cửu phẩm liên hoa mang dấu ấn nét cổ của chùa miền Bắc. Ở đây, có các Ban thờ Phật, Ban Đức Ông, Ban Địa Tạng Vương Bồ Tát, Ban Đức Thánh Hiền. Hiện tại, công trình này cũng chưa hoàn thiện hẳn, còn tiếp tục làm 9 tầng hoa sen và hơn 100 pho tượng xung quanh tòa cửu phầm liên hoa.
Hơn 700 năm thăng trầm cùng biến động của lịch sử, chùa Đống Cao vẫn đứng tôn nghiêm giữa một vùng quê Bắc Bộ, mang vẻ đẹp đặc trưng của chùa truyền thống và trở thành chốn thanh tịnh linh thiêng của dòng thiền phái Trúc Lâm.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.