Đền Cuông được xây dựng trên một vị trí thông thoáng, giàu chất sử thi. Trên núi Mộ Dạ, cận kề quốc lộ 1A, ngọn núi mang dáng hình con chim công, ngày nay là cả một cánh rừng thông bạt ngàn. Sau núi là biển cả mênh mông, ngày đêm rì rào sóng vỗ.
Diễn Châu (Nghệ An) được biết đến không chỉ là nơi sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng như Phùng Chí Kiên, Nguyễn Xuân Ôn, Đặng Văn Thụy, Cao Xuân Dục.. mà còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh. Theo thống kê trong số 91 di tích lịch sử văn hóa thì đã có tới 13 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Một trong số các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng là Đền Cuông nơi gắn liền với Thục Phán An Dương Vương – vị vua huyền thoại của lịch sử dựng nước thời xa xưa.
Đây là ngôi đền thiêng, không chỉ tới tham quan, người dân đánh bắt cá khu vực biển Cửa Hiền hay lân cận có truyền thống tới đây thắp hương, cầu xin một chuyến đi thời tiết thuận lợi, sóng êm bể lặng, đánh bắt nhiều hải sản.
Tổng thể kiến trúc Đền Cuông được xây dựng theo kiểu chữ "Tam". Hạ điện, trung điện và thượng điện. Riêng trung điện có kết cấu 8 mái, 2 tòa còn lại 4 mái, đầu đao cong vút.
Trải qua hàng nghìn năm, tam quan hiện nay rêu phong phủ kín, tạo nên nét cổ kính cho ngôi đền. Tòa trung điện theo kiểu chồng diêm 8 mái, các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Các công trình đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chắc nhưng không tạo cảm giác thô cứng. Đặc biệt, các chi tiết chi tiết, hoa văn được đắp, chạm rất tinh tế, mà lại toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát. Các đường nét uốn lượn tả rồng, phượng, hoa, lá, vân vũ rất uyển chuyển, đẹp đẽ.
Hàng năm, vào các ngày 14, 15,16 tháng Hai âm lịch diễn ra lễ hội Đền Cuông. Đây là lễ hội lớn không chỉ của cộng đồng cư dân vùng Diễn Châu mà còn cả đối với cộng đồng cư dân cả nước để nhớ tới ân đức của Thục An Dương Vương. Vào dịp lễ hội, khách thập phương ở mọi miền đất nước tụ hội về đây. Những người con xa quê cũng cố gắng thu xếp để về thăm quê vào đúng dịp này
Truyền thuyết và lịch sử, thực và hư, những dấu tích đã rêu phong, đã được bao phủ bởi thời gian, chỉ còn lại đó là một Đền Cuông linh thiêng và lòng ngưỡng mộ của nhân dân cũng đủ để rút ra bao điều đáng chiêm nghiệm…
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.