Đền thờ Bà Triệu được nhân dân lập nên dưới chân núi Gai vào thế kỷ thứ 6. Lúc khởi dựng, đền chỉ có 3 gian nhà gỗ lợp tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đền được xây dựng, tu sửa, ban sắc phong và tổ chức tế lễ hàng năm. Tới thời vua Minh Mạng, đền được chuyển về vị trí hiện tại và có diện mạo như ngày nay.
Dù chưa một ngày được làm vua, nhưng trong lòng người dân luôn tôn sùng Triệu Thị Trinh là “Vua Bà” của nhân dân. Theo tài liệu lịch sử ghi chép lại, Bà Triệu sinh năm 226 ở vùng miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Lớn lên, bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, chí lớn. Năm 20 tuổi, bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt chiêu mộ hơn nghìn tráng sĩ dấy binh khởi nghĩa chống lại quan quân nhà Đông Ngô - Trung Quốc tàn ác. Sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, khiến quân giặc khiếp sợ. Thấy vậy, quân Ngô cử 8.000 quân hùng mạnh sang đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng quá chênh lệch cùng nhiều âm mưu thâm độc của quân giặc, nghĩa quân của nữ tướng xứ Thanh thất bại. Sau đó, Bà Triệu đã tuẫn tiết tại núi Tùng (huyện Hậu Lộc) vào năm 248.
Qua nhiều lần trùng tu, đến nay, đền Bà Triệu vẫn mang vẻ đẹp truyền thống của vùng Bắc Bộ với những nét hoa văn chạm trổ tinh tế. Tuy nằm sát ngay quốc lộ 1 vốn đông đúc xe cộ qua lại, nhưng chỉ cần bước chân vào đền Bà Triệu, du khách như lạc vào một không gian khác, yên tĩnh, ngập tràn màu xanh của cây lá và âm thanh ríu rít của tiếng chim.
Năm 1979, Khu di tích Bà Triệu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2014, khu di tích được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Sự vinh danh này thêm một lần nữa khẳng định các giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan của quần thể di sản đền Bà. Cùng với sự ra đời và tồn tại của khu di tích, lễ hội đền Bà Triệu cũng được hình thành và duy trì suốt nhiều thế kỷ vào ngày 22 tháng 2 âm lịch hằng năm.
Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.