Mộc Thù Lỗ: Phát huy thế mạnh làng nghề
Về tới thôn Thù Lỗ ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) nhộn nhịp dòng xe ra - vào chở nguyên liệu, hàng hóa; rộn ràng tiếng cưa, đẽo, đục của người thợ làm gỗ… Với đội ngũ trẻ, lành nghề và nhiệt huyết lớn, nhiều năm nay, làng nghề phát triển mạnh mẽ, liên tục cho ra đời nhiều mẫu mã gỗ mỹ nghệ.
Nhờ chịu khó học hỏi, liên tục sáng tạo mẫu mới, năng động trong sản xuất, người Liên Hà không chỉ giỏi nghề mà còn giỏi kinh doanh và tìm kiếm thị trường. Đến nay, đồ gỗ mỹ nghệ của Liên Hà có mặt ở khắp các nơi trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ ở thôn Thù Lỗ mà ở tất cả các thôn của xã Liên Hà nghề gỗ cũng phát triển. Đặc biệt, mỗi thôn tập trung sản xuất một loại sản phẩm để có sự chuyên sâu, chất lượng, như các thôn Giao Tác, Đại Vỹ chuyên sản xuất bàn ghế, giường, tủ; thôn Lỗ Khê chuyên đồ thờ cúng; thôn Châu Phong chuyên đồ gia dụng; thôn Thù Lỗ chuyên đồ gỗ mỹ nghệ… Toàn xã có khoảng hơn 1.000 cơ sở, hộ gia đình chuyên sản xuất đồ gỗ. Bình quân mỗi tháng, làng nghề cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn sản phẩm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của địa phương và nơi khác, với thu nhập từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người/tháng.
Làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ thôn Thù Lỗ có sự phát triển mạnh mẽ từ hơn 30 năm trước. Khi đó khoảng 80% người dân đã không làm nông nghiệp nữa mà chuyển hẳn sang sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ thủ công.
Tuy đa dạng các sản phẩm nhưng mặt hàng chủ lực của thôn tập trung vào bàn ghế gỗ, tủ gỗ như: bộ bàn ăn gỗ, ghế gỗ, bàn học, bàn làm việc, bàn thờ, tủ thờ,tủ quần áo gỗ,…Các sản phẩm ở đây như là những tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ gỗ; mỗi tác phẩm đều thể hiện nét tài hoa, tinh tế của các nghệ nhân cùng với đó thấy sự đa dạng của các loại sản phẩm.
Để làm ra một sản phẩm gỗ mỹ nghệ, công đoạn đầu tiên là xử lý gỗ nguyên liệu. Trước tiên người thợ phải chọn được loại gỗ đảm bảo độ bền, chắc, ít cong vênh, rạn nứt. Pha gỗ là công đoạn hết sức quan trọng, do nghệ nhân, thợ giỏi giàu kinh nghiệm thực hiện. Công đoạn này phân chia những cây gỗ lớn thành các thanh gỗ phù hợp với từng loại sản phẩm. Nếu không biết pha gỗ thì sản phẩm sẽ có chỗ thừa chỗ thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng.
Tiếp đến người thợ Ngang và thợ Chạm cũng phải phối hợp với nhau chính thức lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm với các công việc như: bào gỗ; nạo nhẵn; lu những chỗ cong; đường gấp khúc; gắn cố định bằng (cồn, keo, sơn). Với những thợ đục lành nghề, mọi đường nét bức tượng, hay hoa văn, họa tiết như đã định hình sẵn trong đầu người thợ; hình các nhân vật hay bức tranh điêu khắc cứ hiện dần lên theo từng nhát chàng, nhát đục.
Sau khi sản phẩm cơ bản hoàn thành, người ta chuyển sang khâu làm sạch và trang trí, gọi là khâu gọi hàng. Khâu này nhẹ nhàng hơn nhưng lại đòi hỏi độ tinh xảo và khéo léo hơn, thường do phụ nữ đảm nhận. Người thợ gọt cũng đục mỏng hơn để gọt nhẵn các chi tiết, chạm khắc những nét hoa văn tinh xảo để hòan thiện sản phẩm. Ngày nay, những khâu trên vẫn được duy trì, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên đẩy nhanh được tốc độ, giảm bớt sức lao động chân tay.
Theo những người làm nghề ở đây cho biết, tùy từng loại gỗ, độ dày, mỏng mà các sản phẩm được bán với giá khác nhau. Ví...