Video Về chốn linh thiêng

Nét đẹp tâm linh làng Sở Thượng

Nằm gần đường vành đai ồn ào là thế, mà chỉ cần bước chân vào cụm di tích làng Sở Thượng, bước chân như nhẹ lại, lòng người như an tịnh... Đây vốn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của một cộng đồng cư dân từ hàng trăm năm qua.
16:59 - 18/11/2021

Nằm ở tả ngạn sông Hồng, phía Nam kinh thành Thăng Long, nay thuộc địa phận quận Hoàng Mai, Hà Nội, Sở Thượng là một làng Việt cổ, hình thành vào cuối thế kỷ XV, đời Lê Thánh Tông (1460 - 1479).

Vị trí đặc biệt của Sở Thượng đã sớm trao cho vùng đất này trách nhiệm của một vùng đất hiểm yếu, án ngữ đường thủy phía Nam, bảo vệ kinh đô Thăng Long. Thời nhà Lý, Trần, Lê, Sở Thượng là địa bàn đóng quân, xây dựng lực lượng nghĩa quân của Linh Lang đại vương, Trần Hưng Đạo, Quang Trung đại phá quân Thanh. Cũng vì thế mà mảnh đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước.

Trong đó, đình làng Sở Thượng vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư từ hàng trăm năm qua, được cho là từ thời điểm tạo dựng vào khoảng năm 1054. Đây là nơi thờ phụng Linh Lang đại vương - hoàng tử của vua Lý Thánh Tông có công đánh giặc Tống. 

Ở những ngôi làng cổ, đình – chùa thường được xây dựng gần nhau, tạo thành một cụm văn hóa tâm linh đặc sắc. Không nằm ngoài quy luật đó, cạnh đình làng Sở Thượng là chùa Sở Thượng (hay còn là Hưng Phúc tự), nằm trên địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. 

Trong kháng chiến chống Pháp, đình và chùa Sở Thượng đều bị hư hại nặng nề, nên đến giờ đã có nhiều đổi thay về kiến trúc và cảnh quan nói chung. Tuy nhiên, đây vẫn là một công trình tôn giáo mang đậm phong cách kiến trúc thuộc hệ phái Bắc tông.

Cổng tam quan xây kiểu ngũ quan hai tầng, tầng dưới có ba cửa lớn kiểu vòm cuốn, tầng trên xây kiểu bốn mái, chồng diêm, mái lợp giả ngói ống, chính giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao đều đắp các hình rồng đuôi xoắn, mặt ngoài đắp ba chữ Hán tên chùa Hưng Phúc.

Trong các di vật quý còn giữ tại chùa có quả chuông đồng được khắc niên hiệu Cảnh Thịnh (1797). Quả chuông có kích thước hơn 1m, đường kính 58cm, là một tác phẩm nghệ thuật được tạo tác công phu, tinh xảo với nhiều đường nét chạm khắc tinh tế. Bài minh khắc trên chuông là nguồn tư liệu quý giá với những tên người, tên đất lịch sử, góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu nghiên cứu lịch sử, phong tục tập quán của địa phương. 

Về kiến trúc, chùa Sở Thượng có kết cấu chữ đinh gồm tiền đường và thượng điện. Nhà tiền đường năm gian được xây trên nền cao hơn mặt sân 50cm. Dấu ấn lịch sử hình thành của ngôi chùa này còn thể hiện qua hệ thống di vật quý còn lưa giữ đến ngày nay. Tiêu biểu là bộ tượng tròn gồm 30 pho có kích thước lớn nhỏ khác nhau được cho là tạo tác vào thế kỷ 18, 19, 20. Bộ tượng Tam Thế Phật cũng là những tác phẩm điêu khắc mang giá trị nghệ thuật thời Lê thế kỷ 18.

Làng Sở Thượng... dấu xưa chẳng còn là bao nhưng văn hóa làng, với những thực thể như đình – chùa làng vẫn luôn gắn bó với người dân và là hình ảnh đậm nét, khó phai mờ trong cuộc sống thường nhật của người dân hôm nay.

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.