Video Không gian đẹp

Ngôi nhà số 38 Hàng Đào: Dấu ấn Hà Nội xưa dưới góc nhìn đương đại

Nằm nép mình giữa con phố tấp nập, ngôi nhà cổ 38 Hàng Đào như một nốt lặng giữa những cung thanh ồn ã của đô thị hiện đại. Những nét văn hóa, nếp sống của người Hà thành xưa được tái hiện dưới góc nhìn đương đại trong từng không gian của ngôi nhà.
17:48 - 31/07/2023

Ngôi nhà số 38 Hàng Đào: Dấu ấn Hà Nội xưa dưới góc nhìn đương đại

Được xây dựng từ thời nhà Lê - thế kỷ thứ XVII, ngôi nhà nguyên là đình Đồng Lạc thờ các vị thần trong Tứ trấn của Thăng Long Hà Nội. Bên cạnh đó, đình còn là nơi những người phụ nữ phường nghề đến làm và bán các sản phẩm yếm lụa. Năm 1941, đình được vua Bảo Đại cho xây dựng lại với mục đích sử dụng là để ở và bán hàng. Ngôi nhà được xây dựng thêm 1 tầng và chuyển nơi thờ lên tầng 2. 

Không gian xưa của ngôi nhà được thể hiện ngay từ cánh cổng ra vào với lớp sơn màu vàng cùng dòng chữ Hán đắp nổi, dịch ra là “Đồng Lạc quyến yếm thị”. Đặc biệt, bộ cánh cửa gỗ màu đen vẫn được giữ nguyên theo nguyên tắc thiết kế cửa của đình chùa xưa, cửa giữa cao to dành cho vua, quan; cửa bên nhỏ, thấp dành cho dân.

Bước qua cánh cửa là không gian của ngôi nhà với lối kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của nhà ống phố cổ Hà Nội. Mặt tiền hẹp, chiều sâu lớn, ngôi nhà được chia thành 3 gian, ngăn cách bởi 2 sân nhỏ vừa cung cấp ánh sáng cho ngôi nhà, vừa đặt những chậu cây giúp gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, kiến trúc dân gian được thể hiện rõ nét qua lớp mái ngói bằng đất nung màu đỏ gạch, được lớp chồng đều đặn. Lớp rêu phong bám từng mảng trên nếp nhà xưa như in hằn dấu vết thời gian.

Sau khi được cải tạo, toàn bộ không gian tầng 1 của ngôi nhà được sắp xếp là nơi trưng bày những sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề như đồ sơn mài Hạ Thái, lãnh Mỹ A, giấy Dó, các sản phẩm thêu tay…

Tận dụng khoảng không gian, những sản phẩm này được đặt trên các kệ gỗ, tủ kính được kê sát 2 bên mặt tường hoặc trưng bày trên các hình khối đan xen ở giữa lối đi của khách tham quan. Du khách có thể chiêm ngưỡng nghệ thuật trong từng sản phẩm thông qua chất liệu, gam màu cũng như độ tinh xảo được tạo nên bởi tay nghề thủ công điêu luyện của các nghệ nhân.

Màu sắc tô điểm cho kiến trúc ngôi nhà bắt nguồn từ sự giản dị. Lớp tường sơn màu xám với những họa tiết giả cổ cùng ánh đèn vàng của những chiếc đèn thả giúp cho không gian trở vừa ấm cúng, tạo nên sự dân dã, vừa không mất đi tính trang nghiêm. Hệ thống cột với các hàng trụ trốn, các chân trụ được giữ nguyên bản theo kiến trúc thuộc địa Pháp cùng với những câu đối cổ được đặt khắp nơi trong nhà góp phần gợi những cảm xúc nghệ thuật. Điểm nhấn trong thiết kế của ngôi nhà sau khi được cải tạo chính là lớp cửa kính giữa các gian nhà, giúp không gian như được xuyên suốt và tạo chiều sâu. 

Đi sâu về phía cuối ngôi nhà là khoảng không gian ngoài trời cùng hàng tre chạy dọc 2 bên, vừa tạo điểm nhấn mang nét quê hương, vừa giúp cho không gian trở nên tươi mát, dễ chịu hơn.

Men theo chiếc cầu thang bằng gỗ là đến với không gian tầng 2. Tại đây, gian đầu tiên là nơi trưng bày vải lụa truyền thống - mặt hàng đặc trưng của phố Hàng Đào xưa. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện từ ký ức được nối dài trong hiện tại qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Tại không gian này, kết cấu mái được được trạm trổ thanh thoát, kết nối với nhau bằng mộng. Hòa sắc với ánh sáng của đèn, gam màu của từng sản phẩm lụa tạo nên một không gian huyền ảo, tạo hiệu quả sâu lắng. Nằm sau dãy hành lang ngắn chạy qua giếng trời chính là đình Đồng Lạc, một ngôi đình có lịch sử lâu đời ở phố cổ Hà Nội. Lớp sơn vàng nổi bật, thân trụ tường đắp nổi câu đối chữ Hán cùng dầm cột trang trí đầu rồng, các hoạ tiết trên các chấn song cửa…Đây là dấu tích còn sót lại của kiến trúc xưa của ngôi đình.

Điểm nhấn của không gian này chính là tấm bia đá khắc chữ Hán được gắn trên tường có niên đại hiệu Tự Đức Bính Thìn (1856), được dịch là “Đình chợ có bán yếm lụa do chủ hiệu Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ thời Lê”. Không gian của thờ của ngôi đình được chia làm 2 gian nhỏ, ngăn cách bởi vách ngăn bằng gỗ 3 cửa. Đây là lối thiết kế trong những ngôi đình cũ theo kiểu thượng song hạ bản. Phía trên là ô thoáng trang trí bằng các con tiện gỗ chạy suốt chiều rộng cửa.

Gian ngoài có một bàn thờ bằng gỗ được chạm hình rồng tinh xảo, bên trên có lư hương bằng đồng, hai bên có giá chuông, giá trống. Gian trong có các bàn thờ đặt bài vị của Tổ nghề cùng các vị Thành hoàng của Thăng Long: Bạch Mã, Linh Lang, Cao Sơn.

Năm 2004, nhà 38 Hàng Đào được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng là di sản cấp quốc gia. Đến năm 2017, Đình Đồng Lạc được công nhận là cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với cái tên “Không gian văn hóa Hanoia”. Nơi đây cũng trở thành một địa điểm giao lưu văn hóa đối với những người yêu di sản thông qua các buổi giao lưu và tọa đàm nghệ thuật cũng như trưng bày các triển lãm. Khoác lên mình không gian văn hóa mới trong sáng tạo nghệ thuật, ngôi nhà số 38 Hàng Đào vẫn còn đó những nét văn hóa, nét sống của người Hà thành xưa.

Thực hiện: Tùng Lâm - Nguyễn Thúy - Sỹ Thành