Hà Nội cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX trở thành một trung tâm đô thị nhộn nhịp... Con phố Mã Mây trước kia nằm dọc theo bờ sông Hồng, là nơi trên bến dưới thuyền, sầm uất. Tên Mã Mây ghép từ hai tên phố Hàng Mã (đoạn phía Nam) và Hàng Mây (đoạn phía Bắc).
Ngôi nhà số 87 Mã Mây mang đặc trưng của nhà cổ xưa Hà Nội. Để hiểu về Hà Nội thì không thể không tìm hiểu những nét văn hóa, nếp sống của người Hà thành xưa trong những ngôi nhà cổ còn được bảo tồn đến tận bây giờ.
Nhà cổ Mã Mây được xây dựng từ khoảng cuối thế kỉ XIX bởi một gia đình tiểu thương bán gạo người Việt, theo hình ống, tổng diện tích 157,6m2, xây vuông góc với đường phố, chiều dài đất là 28m, chiều rộng mặt tiền 5m và chiều rộng của mặt hậu là 6m. Đây là kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam, tuân theo cách suy nghĩ của người dân ngày xưa là: miếng đất làm nhà nên “nở hậu”, ý nghĩa sẽ mang lại phúc lộc về hậu vận. Ngôi nhà được xây với mục đích sử dụng là để ở và bán hàng.
Ngôi nhà đã thay đổi chủ nhiều lần. Năm 1945, một thương gia bán thuốc bắc mua lại ngôi nhà. Từ năm 1954 đến năm 1999, có 5 gia đình sinh sống tại đây.
Ngôi nhà với nội thất không quá cầu kì nhưng cũng đủ để thể hiện gia chủ là người có tiền và có gu thẩm mĩ cao so với thời bấy giờ. Thêm vào đó là cách sắp xếp các lớp nhà theo các chức năng, mục đích sử dụng, cho thấy tư duy thông minh, khoa học của chủ nhà.
Từng đồ vật xưa cũ vẫn được gìn giữ vẹn nguyên như nhắc nhớ về những kỷ niệm đẹp, những dấu ấn khó mờ phai dù người xưa không còn.
Với không gian đặc trưng của nhà phố, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây là nơi bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa, nếp sống của người Hà Nội xưa.
Hải Hà - Hoàng Thuyên