Video Làng nghề Việt

Ninh Hiệp - Làng thuốc cổ của đất Thăng Long

Người dân Ninh Hiệp vốn tháo vát, nhanh nhạy nên từ xa xưa nơi đây đã nổi tiếng với rất nhiều nghề, trong đó lâu đời nhất phải kể đến nghề chế biến và kinh doanh dược liệu và được mệnh danh là thủ phủ thuốc nam của miền Bắc.
15:54 - 29/02/2024

Ninh Hiệp - Làng thuốc cổ của đất Thăng Long

Ít ai biết rằng, từ xa xưa làng Nành đã là nơi cung cấp dược liệu sống chủ yếu cho phố đông nam dược Lãn Ông ở kinh thành Thăng Long. Thậm chí trong quá trình buôn bán rất nhiều người gốc làng Nành đã ở lại kinh đô lập nghiệp, sinh sống. Dân làng cũng tự hào rằng ngôi làng xưa kia có nhiều danh y nổi tiếng bốc thuốc, chữa bệnh giỏi, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến hai ngự y được vua tin tưởng vời vào cung chữa bệnh thường xuyên, đó là Chánh ngự y Nguyễn Tán và Phó ngự y Nguyễn Khắc Hoạt. Kế thừa nghề truyền thống của cha ông, người dân Ninh Hiệp ngày nay có thể vừa sơ chế thuốc, vừa bốc thuốc cho người bệnh.

Xưa kia, nguồn dược liệu được dân làng khai thác chủ yếu tại rừng báng thuộc phủ Đông Ngàn (nay thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Đây vừa là nơi gieo trồng vừa là nơi người dân khai thác cây thuốc để đem bán khắp nơi. Nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, từ lâu khu rừng báng đã không còn. Người dân Ninh Hiệp phải tìm đến những vùng dược liệu xa hơn để mua về sơ chế, bào chế, gia công và buôn bán, trao đổi. Không những vậy, nhiều hộ dân trong làng vẫn kế thừa nghề truyền thống của gia đình, tiếp tục tìm tòi, học hỏi để trực tiếp khám chữa bệnh cho người bệnh đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Gia đình ông Nguyễn Thạc Miên làm nghề thuốc nam mấy chục năm nay, ông cho biết, gia đình ông vẫn tiếp tục nghề làm thuốc nam này bởi truyền thống từ đời cha ông để lại, ông làm bằng kinh nghiệm từ đời cha ông và những quyển sách tự học.

Người dân Ninh Hiệp “nổi tiếng” rất nhanh nhạy với cơ chế thị trường, những năm đất nước mở cửa, người dân nơi đây trở nên “sung túc” bởi sự năng động trong giao thương buôn bán với bên ngoài. Chính thời điểm này, nghề thuốc của làng dần bị mai một và dần đi vào quên lãng. Người Ninh Hiệp đã “rẽ hướng” vào các lĩnh vực buôn bán khác nhau, thị trường cần gì, họ đáp ứng thứ ấy. Số người buôn bán thuốc nam, trồng cây thuốc ở làng bỏ nghề hầu hết. Tuy nhiên, đên năm 1990, một nhóm những người cao niên trong làng đã  khôi phục lại nghề trước khi bị mất. Tháng 6 năm 1990, thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Chi hội Đông y xã Ninh Hiệ. Thanh niên trong làng, thấy sự hăng hái của lớp già, cũng đã tập hợp được một lượng thành viên đáng kể để xin gia nhập. Hội liên hệ để cử một phần sang Viện Đông y để học thêm. Phần nữa tìm lại những vị nhiều tuổi còn nhớ nghề trong làng để học lại. Nghề buôn bán thuốc nam lại dần được hình thành và phát triển mạnh mẽ ở đây.

Nghề làm thuốc nam tập trung chủ yếu ở thôn 8 (trước kia là thôn Ninh Giang), toàn thôn có 254 hộ chế biến thuốc, chiếm 60% tổng số hộ; tạo doanh thu hàng năm khoảng 200 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu toàn thôn. Nhà ít thì vài ba người làm nghề, nhà nhiều thuê tới vài chục công nhân. Tuy không thu nhập cao như kinh doanh vải nhưng nghề làm thuốc được nhiều gia đình gắn bó, duy trì theo kiểu cha truyền con nối. 

Thực hiện: Ngọc Hòa - Ngọc Toàn