Đào Khê xưa và nay gồm 2 thôn là Đào Khê Thượng và Đào Khê Hạ, thuộc xã Nghĩa Châu – một xã ven sông Đáy, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Từ lâu, vùng đất này đã nổi danh với nghề làm nón lá.
Nghề làm nón ở Đào Khê theo các cụ cao niên kể lại thì có người của làng đã học nghề làm nón ở làng Chuông của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội.
Để có những chiếc nón bền đẹp, nghề làm nón phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và trau chuốt. Lá nón tươi được lấy ở trên rừng, rồi được tãi ra phơi nắng, hấp diêm sinh để lá có độ trắng ngà, không bị mốc khi gặp mưa.
Sua khi phơi khô, lá nón được là phẳng. Xưa, người thợ đặt từng lá nón lên mặt lưỡi cày nung nóng trên bếp than, dùng búi giẻ vuốt cho lá phẳng ra, tay vuốt đều. Nay, người ta cải tiến từ chiếc nồi cơm điện cũ thành đế là và chạy bằng điện.
Những lá nón đã là phẳng được xếp lên khuôn. Giữa 2 lớp lá thì lót một lượt mo nang. Tiếp đó là tới công đoạn khâu.
Dù đã ở vào cái tuổi được nghỉ ngơi, nhưng với tình yêu nghề và niềm vui lao động, các bà, các cụ làng Đào Khê vẫn ngày ngày cần mẫn khâu nón. Tuy không còn tinh mắt như thời trẻ, nhưng những bàn tay các bậc cao niên thoăn thoắt luồn từng mũi kim lên, xuống đều đặn và nhịp nhàng như cái nghề đã ăn sâu vào máu thịt.
Những người thợ khâu nón tài hoa thường có tài lẩn chỉ, khéo léo giấu những nút nối vào bên trong.
Chiếc nón sau khi được khâu tỉ mỉ theo từng nan nón sẽ được viền vành một cách cẩn thận và trau chuốt. Sau khi hoàn chỉnh, có nhà sẽ trang trí thêm họa tiết cho sản phẩm của mình để bắt mắt người tiêu dùng.
Gần như cả làng Đào Khê làm nón. Các sản phẩm của mỗi hộ gia đình nhỏ lẻ đa phần sẽ được một số hộ đầu mối thu gom để giao hàng cho các tỉnh thành khác. Cứ mỗi buổi chiều là anh Phạm Văn Thùy lại đi thu gom sản phẩm từ các hộ gia đình trong làng, tập hợp lại thành một lượng lớn, thuê người trau chuốt lại sản phẩm rồi mới giao cho các mối hàng.
Đến Đào Khê ta có thể bắt gặp cảnh người người làm nón, nhà nhà làm nón. Nhưng từ khi địa phương có khu công nghiệp, phần lớn thanh niên đều đi làm công nhân nên nhân lực làm nghề truyền thống chủ yếu là lao động tuổi trung niên, người già và trẻ nhỏ.
Nghề làm nón tuy không mang lại doanh thu lớn nhưng có thể làm quanh năm, không lo nắng mưa.
Hình ảnh các bà, các chị vừa chuyện trò, vừa thoăn thoắt khâu nón ở các ngõ, bên hiên nhà đã tạo nên một nét thi vị cho làng quê. Hình ảnh đó toát lên một vẻ đẹp lao động, ấy là bản tính cần cù, chăm chỉ của người dân vùng thôn quê. Hình ảnh đó cũng để lại những ấn tượng cho những mỗi du khách một lần đến với nơi này.
Tới Đào Khê, du khách sẽ không chỉ được về với vùng quê Bắc Bộ thanh bình và còn được trải nghiệm nghề làm nón mang nét duyên quê./.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.