Đình Cát Đằng là nơi thờ hai vị Thánh Tổ nghề sơn mài của làng. Theo sử sách, năm 1390, dưới triều vua Trần Thuận Tông, ông Ngô Đức Dũng là người có quê gốc ở làng Cát Đằng, được bổ nhiệm làm Tri huyện huyện Từ Sơn (thuộc lộ Bắc Giang nay là tỉnh Bắc Ninh) và em trai ông là Ngô Ân Ba giữ chức Đô đầu trong huyện. Sau khi từ quan về quê Cát Đằng, hai ông đã truyền nghề sơn mài cho dân làng. Từ đó đến nay, nghề sơn mài truyền thống vẫn được bao thế hệ người con làng Cát Đằng lưu truyền qua hơn 600 năm.
Nghề sơn mài ở Cát Đằng có từ thời Trần, nhưng phải đến thời Lê, đặc biệt bước sang thời Nguyễn mới phát triển rực rỡ. Các sản phẩm của ông cha thời trước chủ yếu là các đồ thờ tự. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng được triều đình triệu vào kinh thành để tô son thếp vàng cho cung đình, lăng tẩm.
Nghề sơn mài ở Cát Đằng được làm trau chuốt, cầu kỳ. Muốn sản phẩm bền chắc, ngay từ cốt mộc phải lựa chọn gỗ tốt. Pha gỗ, bào nhẵn rồi vẽ mẫu hoa văn. Trước đây, người thợ mộc làm hoàn toàn thủ công nhưng nay một số khâu đã có máy móc hỗ trợ, để rút ngắn thời gian và công lao động. Tuy nhiên, phần đục chạm vẫn phải làm bằng tay, đây cũng là khâu thể hiện tay nghề của người thợ mộc.
Qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, làng nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng cũng đã trải qua bao nỗi thăng trầm của nghề thủ công. Và trong sự thăng trầm đó, cái tài và tính sáng tạo của những người thợ Cát Đằng được bộc lộ. Các sản phẩm sơn mài từ nứa ghép đã ra đời và trở thành mặt hàng được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Kinh nghiệm bỏ túi:
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.