Video Về chốn linh thiêng

Thành cổ Quảng Trị - Ký ức hào hùng

Với những ai đã đi qua chiến tranh, Thành cổ Quảng Trị là ký ức hào hùng. Còn với những ai sinh ra sau chiến tranh, nơi này đã trở thành nơi linh thiêng để tri ân thế hệ cha anh quả cảm hi sinh thân mình để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình.
11:02 - 04/05/2021

Dù hàng chục năm đã trôi qua với biết bao thay đổi của đất trời, của con người, dòng sông Thạch Hãn vẫn luôn là chứng tích của một thời kỳ máu lửa. Dưới mặt nước tưởng như phẳng lặng này là một câu chuyện sục sôi ý chí của những người lính quả cảm. Mua hè năm 1972, dòng sông Thạch Hãn – con đường tiếp tế nhân lực vật, lực duy nhất cho mặt trận thị xã và Thành cổ Quảng Trị - đã trở thành dòng sông máu khi hàng nghìn chiến sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Dòng sông Thạch Hãn đã trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất. Từ dòng sông này, có một con đường nối thẳng vào trung tâm Thành Cổ Quảng Trị với tên gọi con đường định mệnh.

Thành cổ Quảng Trị được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn. Năm 1809 vua Gia Long cho đắp bằng đất, 28 năm sau, vua Minh Mạng cho xây bằng gạch. Thành cổ được xây dựng để làm pháo đài canh giữ. Thời phong kiến, Thành cổ Quảng Trị là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của tỉnh Quảng Trị, là thành lũy phòng ngự để bảo vệ kinh đô Huế ở phía Bắc. Sau đó, thực dân Pháp biến nơi đây thành nơi biệt giam chiến sĩ cộng sản. Thời Mỹ Ngụy, Thành Cổ Quảng Trị là một tiểu khu quân sự mạnh. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1972, Thành cổ bị phá hủy gần hết, chỉ còn lại một số đoạn tường gạch loang lổ vết đạn và 2 cổng tiền, hậu còn được giữ lại như chứng tích cho sự hi sinh của hàng nghìn chiến sĩ. 

Nhắc đến Thành Cổ Quảng Trị là nhắc đến biểu tượng của lòng quả cảm gắn liền với 81 ngày đêm khốc liệt. Từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, thị xã Quảng Trị đã trở thành túi bom. Sau khi để mất Quảng Trị vào cuối tháng 5/1972, Mỹ - Ngụy điên cuồng mở cuộc tái chiếm tỉnh Quảng trị với mật danh “Lam Sơn 72”, trong đó mục tiêu số 1 phải chiếm được Thành Cổ vì chiếm được nơi đây cơ bản chiếm được tỉnh Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm, thị xã và Thành Cổ Quảng trị phải hứng chịu 328 nghìn tấn bom đạn, tương đương với 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã dội xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản năm 1945.

Ngày 28/6, 30/6 hay 7/2, đó là những dấu mốc trong 81 ngày đêm lịch sử không bao giờ quên. Mỗi ngày qua đi lại có thêm hàng vạn chiến sĩ nằm lại mãi mãi với đất mẹ. 81 tờ lịch là 81 bức phù điêu được đặt tại trung tâm Thành Cổ là niềm tự hào chứa đựng cả nỗi xót xa về một thời máu lửa đã khiến hàng vạn quân giải phóng không bao giờ trở về, hàng vạn gia đình mất người thân. Các anh đã nằm lại mãi mãi ở mảnh đất này, đã hi sinh thân mình để giữ cho màu xanh nơi đây, nhưng lại không có một nấm mộ của riêng mình. 

Mời quý vị xem các chương trình Về chốn linh thiêng đã phát sóng tại đây./.