Đến thôn Krăngọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng hiện nay chỉ còn bắt gặp một vài người phụ nữ làm gốm. Đây vốn là một nghề truyền thống từng nhộn nhịp khắp buôn làng kể từ khi một nhóm người Churu – vốn là nhóm con cháu thân thuộc của người Chăm, đã dừng lại bên lưu vực sông Đa Nhim nơi đây khoảng 400 năm về trước. Những bàn tay khéo léo này vẫn thoăn thoắt làm gốm như cách tổ tiên họ đã từng làm và truyền dạy lại cho con cháu. Hình ảnh đó gợi nhắc về buôn làng thuở xưa, mỗi khi vào mùa khô, người người nặn gốm, nhà nhà phơi gốm. Đàn ông tất bật gùi đất, kiếm củi, thắp lửa. Đàn bà bận rộn sàng đất, nhào đất, nặn gốm. Đồ gốm của bà con Churu được đổi lấy chiêng, ché, thổ cẩm với người Mạ, người Cơ Ho và đổi gạo, đổi muối với người Kinh. Gốm mộc Chu Ru đã theo các lái buôn ngược xuôi vang danh khắp vùng.
Vài chục năm trở lại đây, những sản phẩm gốm mộc của bà con Churu dần dần vắng bóng trong những căn bếp trong nhịp sống hiện đại. Vì thế mà nghề làm gốm ở Krăngọ cũng thưa vắng người làm. Chỉ còn số ít người phụ nữ có lòng nhiệt thành với nghề của tổ tiên để giữ cho lửa nghề không tắt qua năm tháng.
Gốm Churu được làm thủ công qua rất nhiều công đoạn. Để thành phẩm có chất lượng tốt thì đất phải được làm rất kỹ. Sau khi đất được lấy trên núi ngay tại địa phương mang về nhà, người ta phơi đất thật khô 2-3 nắng, giã mịn thành bột, rồi trộn với nước và nhào nhuyễn cho tới khi khối đất thật quánh và dẻo. Đất càng được nhồi kỹ thì sản phẩm càng mịn, bền chắc và giúp cho khâu tạo hình càng dễ dàng.
Mời quý vị xem các chương trình Làng nghề Việt đã phát sóng tại đây./.