Video Tinh hoa bàn tay Việt

Vũ điệu của sắc màu

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với mảnh đất này. Hình ảnh phố cổ thâm trầm đã khắc sâu trong tâm trí của họa sĩ Bùi Quang Khiêm. Chính vì thế, ông dành riêng một mảng sáng tác cho Hà Nội và những căn nhà quen thuộc với rất nhiều thân thương.
08:12 - 31/12/2024

VŨ ĐIỆU CỦA SẮC MÀU

Mực nho và giấy dó, sự kết hợp chất liệu truyền thống ấy không phải để cho ra bức tranh thủy mặc hay những nét chữ chứa đựng triết lý sâu xa. Dưới bàn tay của họa sĩ Bùi Quang Khiêm từng điệu nhảy theo mực hình thành trên giấy dó. Vẽ chuyên nghiệp trên nhiều chất liệu nhưng họa sĩ Bùi Quang Khiêm lại đặc biệt yêu thích vẽ trên giấy dó và tạo hình các vũ công với các vũ điệu uyển chuyển, mềm mại mang đậm chất nghệ thuật. Những vũ công không rõ mặt, những chiếc váy thoắt ẩn, thoắt hiện cùng mực và nước loang ra trên giấy với những khoảng đậm, nhạt càng làm nổi bật nét mềm mại của nghệ sĩ trên sân khấu. Họa sĩ Bùi Quang Khiêm được bạn bè trong giới gọi là nghệ sĩ của phái đẹp bởi những bức tranh ông sáng tác chỉ bằng độ loang của mực mà khắc họa mạnh mẽ các đường nét, vẻ đẹp hình thể trong chuyển động của điệu múa. Chỉ với cây cọ và giọt mực, sáng tạo của họa sĩ mang lại cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng mà không kém phần hấp dẫn cho người thưởng thức. Họa sĩ Bùi Quang Khiêm đã có hơn 10 năm gắn bó với tranh giấy dó và mở nhiều cuộc triển lãm. Nhưng chất liệu chất liệu truyền thống và hình ảnh vũ công với động tác múa uyển chuyển khác nhau trên giấy vẫn là nguồn cảm hứng mãnh liệt trong dòng sáng tác của ông. Sắc đen không làm cho tác phẩm thâm trầm, u tối, mà lại làm cho bức tranh thêm sâu lắng và làm nổi bật thêm cho cái đẹp. 

Tranh khắc gỗ in trên giấy dó được làm hoàn toàn thủ công. Các bước làm tranh khắc khá đơn giản gồm vẽ lên tấm gỗ, khắc, cán mực, in lên giấy. Nhưng để ra được bức tranh đẹp, có hồn lại vô cùng gian nan và dễ gây nản lòng nhất là đối với những người mới bắt tay vào làm. Trong quá trình khắc gỗ, họa sĩ sẽ phải dùng đủ lực đôi bàn tay để kiểm soát mũi dao di chuyển trên mặt gỗ mềm một cách kiên nhẫn, tỉ mỉ. Độ nông sâu của mỗi vết khắc sẽ tạo những đường nét sống động khác nhau cho bức tranh. Khi in, họa sĩ lại dùng đôi bàn tay để cảm nhận độ nông sâu ấy từ đó tạo ra những điểm nhấn, độ đậm nhạt của mực cho ra đời những bức tranh tùy với cảm hứng và ý đồ nghệ thuật.

Họa sĩ tham gia làm tranh in khắc gỗ và tranh khắc khá đông và đa dạng, có nhiều người đã nổi danh với dòng sáng tác này. Nhưng đề tài về Hà Nội lại hiếm người theo đuổi. Họa sĩ Bùi Quang Khiêm là một trong số ít họa sĩ truyền tải thành công chất riêng của Hà Nội qua tranh khắc gỗ. Bên cạnh đó, tranh in khắc về Hà Nội của họa sĩ Bùi Quang Khiêm cũng mang chất riêng, thể hiện cá tính của người sáng tác và ông cũng tập trung khai thác vào trầm tích, nét đẹp phong sương mà ở những đô thị khác, đề tài khác khó diễn tả được. Tranh khắc in trên giấy dó “Nhà trên phố Huế” của họa sĩ Bùi Quang Khiêm và học trò của mình đạt giải nhì Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2017-2018.

Thực hiện: Huyền Trang – Trọng Đại  

  • Từ khóa