Những phong bánh pía từ lâu đã trở thành món quà không thể thiếu của nhiều du khách khi tới Sóc Trăng, hay các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Món bánh này vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa, được những người Hoa di cư mang sang Việt Nam.
Bánh pía có hình tròn nhỏ xinh, đường kính khoảng 10cm, khi cắt ra, nhân lòng đỏ trứng nổi bật giữa lớp nhân màu vàng nhạt của đậu xanh, sầu riêng. Nhân bánh pía khá đa dạng, nhưng phổ biến nhất là khoai môn, đậu xanh, và không thể thiếu sầu riêng.
Các nguyên liệu này được hấp và nghiền nhuyễn với đường. Chính giữa bánh là lòng đỏ trứng vịt muối, hoặc lạp xường, ngoài ra còn có thêm mỡ thái hạt lựu đã qua xử lý bằng cách ướp đường với tỷ lệ phù hợp để bảo quản được lâu. Chính phần mỡ này góp phần làm nên vị béo ngậy của bánh, khi kết hợp với nhân sầu riêng, khoai môn hay đậu xanh càng trở nên ngọt bùi, thơm thơm mùi sầu riêng rất đặc trưng.
Phần vỏ bánh được chế biến khá kỳ công từ bột mỳ nhào trộn kỹ với đường cát trắng, sau đó chia thành hai phần. Một phần bột được cán thật mỏng để làm vỏ bánh ngoài cùng. Một phần được chế biến cho xốp dùng để làm vỏ bánh bên trong. Vỏ ngoài cùng của bánh pía có nhiều lớp mỏng tang như tờ giấy mà vẫn bao bọc toàn bộ các phần nhân bên trong của bánh. Có lẽ chính vì điều này mà đôi khi bánh pía còn được gọi là bánh lột da.
Tiếp đến là khâu nướng bánh. Bánh pía được nướng ở nhiệt độ 220 – 270 độ C. Nướng bánh cũng phải trải qua mấy công đoạn để bánh chín, có màu vàng tới, thơm lừng mùi sầu riêng. Bánh pía có loại chay và loại ngọt, có thể thưởng thức trong khi nhâm nhi tách trà nóng. Trong số những nơi sản xuất bánh pía ngon, không thể không kể đến làng bánh pía Vũng Thơm. Với kinh nghiệm làm bánh hàng chục năm, bánh pía ở đây được cho là ngon nhất cả nước.
Người dân thường mua bánh vào dịp rằm tháng Tám, tháng Mười, hoặc các dịp lễ Tết để tặng nhau làm quà. Món bánh pía ngọt bùi, thơm mùi sầu riêng không chỉ mang đậm văn hóa ẩm thực của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer mà còn giúp quảng bá văn hóa tỉnh Sóc Trăng.
Ảnh: Bánh pía Sóc Trăng