Làm bánh khọt không quá khó và nguyên liệu cũng dễ tìm. Các nguyên liệu dùng làm bánh khọt gồm: bột gạo, bột nghệ, bột mì, nước cốt dừa, trứng gà, đậu xanh hấp bỏ vỏ, tép lột vỏ cắt hạt lựu hoặc bầm nhuyễn, hành lá, tỏi, ớt, dầu ăn và một số gia vị khác.
Nghệ nhân đỗ bánh Khọt tại Ngày hội bánh nhân gian Nam bộ. Ảnh: dulichsoctrang.org
Trước tiên cần chuẩn bị trước cho phần nhân bánh, gồm đậu đã hấp chính và tép xào chung nêm ít gia vị; kế tiếp làm nước cốt dừa và làm nước mắm chua ngọt, chuẩn bị thêm rau sống, chủ yếu là cải xà lách, dưa leo, giá đỗ và rau thơm… Riêng phần nước bột, đổ chung bột gạo, bột nghệ, một ít bột mì (giúp bánh giòn hơn), trứng gà, hành lá xắt mỏng khuấy đều với nước dừa hoặc nước lọc và nêm ít gia vị.
Điểm thú vị nhất là đổ bánh vào khuôn, cũng cần phải thật khéo tay, nếu sơ ý sẽ dễ đổ bột ra ngoài khuôn hoặc đổ bột quá dầy, bánh sẽ không giòn và lâu chín. Trước tiên để đổ bánh, cần đặt khuôn bánh trên lò thật nóng, dùng dầu ăn thoa khắp các khuôn, khi thấy dầu đã nóng, múc bột đổ vào khoảng 2/3 các khuôn, đổ xong đậy nắp lại đợi vài phút, kế tiếp cho nhân bánh vào giữa chiếc bánh, rồi đậy nắp lại đợi khoảng 2 – 3 phút, sau đó mở nắp ra dùng đũa đỡ bánh sao cho bánh tróc đều, thấy vành bánh khô giòn là có thể vớt xếp ra đĩa.
Bánh chín có màu vàng nghệ trông rất bắt mắt, có độ giòn và vị ngọt của gạo, vị béo của nước dừa, có hương thơm hòa quyện của nghệ và hành lá. Nhìn và cảm nhận hương vị của bánh khiến quý khách có cảm giác muốn được thưởng thức ngay. Bánh được dùng kèm với các loại rau sống kể trên, nước cốt dừa, nước mắm chua ngọt và thêm ít ớt cay cay sẽ làm ấm lòng quý khách.
Hiện bánh khọt có bán nhiều nơi ở các chợ trong khu vực. Nếu quý khách có dịp đến Sóc Trăng, hãy ghé vào chợ trung tâm thành phố hoặc đường Trương Công Định, P4, thành phố Sóc Trăng để thưởng thức bánh khọt.
Theo soctrang.gov.vn
Xem thêm:
Những đặc sản Sóc Trăng dân dã mà đượm tình
Đậm đà đặc sản bánh pía ở Sóc Trăng
Hòa mình với thiên nhiên tại 6 điểm du lịch sinh thái ở Sóc Trăng