Ấu tẩu còn gọi là ô đầu và phụ tử, là loại củ có độc mọc trên vùng núi cao, có khí hậu lạnh. Theo y học, ấu tẩu có vị cay nóng, dùng để chữa đau nhức hay để ngâm rượu xoa bóp.
Tuy có độc, nhưng ấu tẩu từ xưa là một nguyên liệu nấu cháo ăn giải cảm. Dần dần, người dân còn chế thêm gia vị, thịt, trứng để làm nên món cháo ấu tẩu độc đáo.
Củ ấu tẩu rất độc, phải loại bỏ hết chất độc mới dùng được
Để nấu được bát cháo ấu tẩu ngon, nhất định phải có cách chế biến đặc biệt. Gạo nương của đồng bào dân tộc vo sạch, để ráo. Nước vo gạo giữ lại để ngâm ấu tẩu trong một đêm. Củ ấu tẩu sau khi ngâm sạch được đem ninh cho tới khi mền, bở. Công đoạn ninh ấu tẩu mất khoảng 4 – 5 tiếng bởi ấu tẩu rất cứng và cũng cần dành từng ấy thời gian để chất độc trong ấu tẩu được loại bỏ hoàn toàn. Ninh cho đến khi trở thành hỗn hợp sệt sệt thì cho gạo, chân giò heo vào ninh chung.
Đặc biệt lưu ý khi nấu cháo ấu tẩu thì không nên dùng nồi áp suất. Nồi áp suất sẽ làm ấu tẩu nhanh nhừ, lượng độc tố trong củ sẽ không phân huỷ hết được. Người nấu nếm thử một lượng nhỏ cháo, nếu cảm nhận đầu lưỡi tê cứng lại nghĩa là ấu tẩu vẫn còn độc tố. Nếu không thì cháo đã nấu xong và có thể ăn ngay.
Vì ấu tẩu là vị thuốc nên cháo có vị đắng đặc trưng
Bát cháo ấu tẩu hoàn chỉnh sẽ có cháo sánh nhuyễn, trứng gà, thịt nạc băm, chân giò mềm thơm, nêm nếm gia vị vừa đủ và thêm chút lá hành lá, tía tô. Hương vị béo ngậy, thơm nức, cay cay và đặc biệt là vị đắng đặc trưng của ấu tẩu. Lúc mới ăn sẽ thấy đắng bùi, khó nuốt, ăn vài thìa sẽ thấy vị ngọt trong miệng vô cùng hấp dẫn.
Cháo ấu tẩu có màu nâu, nhìn khá giống cháo lòng của người miền xuôi
Ở trung tâm TP. Hà Giang bạn có thể dễ dàng tìm thấy những quán bình dân bán cháo ấu tẩu. Người Hà Giang ăn cáo ấu tẩu hàng ngày và dùng như một bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên cũng nên lưu ý là nếu không biết chế biến thì không nên tự nấu cháo ấu tẩu ở nhà.
Thu Hiền