Chợ phiên Mèo Vạc, ở Hà Giang mỗi tuần chỉ họp 1 lần duy nhất vào sáng chủ nhật đã là một điều đặc biệt so với ở thành phố rồi. Mà ở thành phố thì đến chợ lúc nào cũng được chỉ trừ buổi trưa vì mọi người nghỉ ngơi. Còn ở miền núi mà đặc biệt là ở Mèo Vạc thì thời điểm đến chợ cũng hết sức đặc biệt.
Đường xuống chợ
Vì tuần có 1 lần nên bà con quanh huyện, các huyện lân cận cũng đến chợ Mèo Vạc. Vì nhà xa, nên từ 4h sáng, các ngả đường đến chợ đã rúc rích tiếng xe cộ đi lại, tiếng nói cười rúc tích, tiếng lục lạc kêu theo nhịp bước chân.
Vậy nên tầm 4-5h sáng, tiếng cười nói rổn rang cả một vùng khiến cho những du khách nơi xa đến không thể nằm yên chờ trời sáng mà cũng lục tục hò nhau dậy để đến chợ.
Trong hơi lạnh man mác, chảng vảng sương sớm của miền núi, người dân đến chợ khi mà còn chưa nhìn rõ mặt nhau. Ấy vậy chỉ khi ánh sáng ló rạng, soi rõ cả khu chợ thì cả một khoảng trống rộng mênh mông giờ đã kín người mua, kẻ bán.
Với du khách lần đầu đến chợ phiên Mèo Vạc chắc rất "ngố" bởi cái gì cũng lạ, cũng lần đầu thấy
Nếu lần đầu đến với chợ phiên Mèo Vạc thì đúng là nhìn cái gì cũng thấy mới, thấy lạ, thấy háo hức. Đầu tiên khi bước vào chợ phải kể đến hàng bánh. Bánh ở đây không nhiều loại. Có bánh rán do người kinh làm và bán, còn đồng bào thì nướng bánh ngô ngại tại chỗ. Nhìn những chiếc bánh ngô màu trắng đục kiểu gì bạn cũng phải sà đến hít hít và hỏi thăm đó là cái gì?
Khu bán rượu ngô cũng thú vị lắm. Hai dãy người đứng sin sít nhau cùng với cơ man nào là can rượu 50 lít. Con đường ở giữa để dành cho người mua đi lại. Nếu chỉ thử rượu từ đầu dãy đến cuối dãy không khéo bạn đã say mất rồi. Mà một điều đặc biệt là chỉ thấy phụ nữ bán rượu. Đến gần, mùi thơm của rượu ngô khiến bạn nức mũi rồi.
Người mua được thử rượu thoải mái trước khi quyết định mua
Lượn ra khu bán gia súc, gia cầm với một mùi rất đặc trưng, nếu ai không quen sẽ lấy khăn bịt mũi. Nhưng mà cái mùi đó cũng không ngăn cản được bước chân của bạn len vào đám đông bán trâu, bò, lợn, gà… Hình ảnh từng người dân mặc đồ dân tộc dắt theo con lợn cắp nách màu đen hay cắp con gà vào nách chắc dưới xuôi chả có. Chờ đến phiên chợ, người dân khắp nơi mang theo những con vật bán để lấy tiền mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt, quần áo mới. Chính vì thế nhìn họ rất thong thả đứng thản nhiên, có khách hỏi thì trả lời, thuận mua vừa bán chứ không có kì kèo, thêm bớt.
Một con gà cũng cắp nách mang xuống chợ bán
Chỗ bán trâu bò thì đặc trưng hơn. Bước vào đây quả là dũng cảm nhưng bù lại bạn được nghe tiếng mõ rung lên từ những chiếc lắc được đeo ở cổ của những chú trâu, bò. Rồi quan sát xem người ta chọn con trâu như nào. Mỗi một con giá cũng dao động từ 30 triệu trở lên vì vậy với người dân con trâu, bò là một gia tài lớn. Người mua cũng có nhiều kiểu, người mua về thịt, người mua về để làm sức kéo…nên cách chọn cũng khác nhau. Chợ trâu bò ở Mèo Vạc cũng thu hút đông các thương lái ở dưới xuôi lên.
Khu vực bán trâu, bò lúc nào cũng đông nghịt người mua. Nhiều người không mua cũng vô đây để xem và quan sát cách người ta chọn một con trâu tốt
Bước ra khỏi chỗ bán gia súc mùi phân nồng nặc chắc sẽ còn vương vất trên người bạn chưa hết ngay được nhưng mà đó lại là một trải nghiệm thú vị khi đến với chợ phiên Mèo Vạc.
Lạc vào khu bán quần áo, nhất là những bộ váy rực rỡ sắc màu dành cho người Mông mới thấy phấn chấn. Trang phục của người Mông sặc sỡ nhất là chân váy. Bình thường một chân váy của phụ nữ Mông nếu làm bằng tay chắc cả năm mới xong nên giờ đây hàng bán sẵn rất phổ biến nên phụ nữ cũng trưng diện hơn. Nhìn chị em ướm ướm, thử thử trang phục mà cũng thấy vui lây.
Du khách rất thích thú khi bước chân vào khu vực bán trang phục cho người dân nơi đây. Trong ảnh là trang phục của phụ nữ Mông
Nếu để ý thì sẽ thấy, phụ nữ đến chợ mặc rất diện. Mỗi người một màu sắc tạo nên một không gian chợ phiên rực rỡ sắc màu. Đó cũng là điều hấp dẫn du khách ở xa đến. Chỉ ngắm những bộ trang phục của người phụ nữ ở vùng cao núi đá cũng đã thấy cả một thế giới đượm sắc hương. Nếu tò mò đưa mắt nhìn các cô gái, họ sẽ e thẹn cúi đầu bẽn lẽn quay mặt đi. Đôi má ứng hồng làm duyên của người thiếu nữ nơi đây có lẽ chả bao giờ phai nhạt trong tâm trí của những lữ khách phương xa.
Khi đã mỏi chân và hơi đói bụng thì bước chân vô định sẽ đưa bạn đến khu vực ẩm thực của khu chợ. Những chiếc chảo thắng cố to nghi ngút khói. Những nồi nước dùng của phở sôi sùng sục đến là vui tai. Mỗi phiên chợ đến người dân háo hức đến chợ cũng là một phần để thưởng thức ẩm thực ngay tại đây. Cả gia đình quây quần bên chiếc bàn, bát thắng cố nghi ngút khói. Hình ảnh những đôi vợ chồng cụng nhau chén rượu, húp sụp bát thắng cố và nở nụ cười mãn nguyện hạnh phúc nhìn nhau. Ở nhiều góc, người dân quây quần bên chén rượu. Họ hỏi nhau đủ thứ chuyện về cuộc sống, về mùa màng, về con cái.
Dù quen hay lạ khi ngồi quây quần vào một chiếc bàn thì việc đầu tiên là bạn được mời một chén rượu làm quen
Đến chợ phiên Mèo vạc, điều bạn không ngờ tới đó là cả một bầu trời kiến thức được bạn tiếp nhận chỉ qua một buổi dạo chợ. Những món đồ chỉ có ở nơi đây, những món ăn đặc trưng của đồng bào, cách người phụ nữ diện trang phục mới đi lại ra sao, sự háo hức khi được ăn bát thắng cố hay bát phở nóng…tất cả đều mới mẻ đối với ai lần đầu đến đây.
Hòa mình vào chợ phiên Mèo Vạc chẳng cần biết có quen hay không, mua bán, đổi chác xong xuôi thì rủ nhau uống chén rượu ngô, thế là coi như đã thành bạn, thành bằng hữu. Đó là điều tuyệt vời nhất khi bạn đến với vùng đất cao nguyên đá Hà Giang./.
Theo VOV.VN