Đây vốn Thiền viện Đông Lai, nhưng bà con và khách thập phương đã quen gọi là chùa Bánh Xèo. Sở dĩ có cái tên này bởi hơn 19 năm qua ngôi chùa này có truyền thống làm bánh xèo chay miễn phí phục vụ khách thập phương. Chính vì sự yêu mến và ngưỡng mộ hành động đó nên người dân đã gọi là chùa Bánh Xèo với sự trân trọng đặc biệt.
Tại chùa Bánh Xèo, hiện tại có đến 10 đầu bếp tình nguyện làm món bánh xèo chay để phục vụ Phật tử thập phương. Vì thế, khi đến đây dù bất cứ lúc nào thì bếp bánh xèo cũng đỏ lửa và không ngớt khách ra vào.
Anh Hồ Văn Nhẫn (ngụ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), chia sẻ: “Tôi làm bánh xèo ở đây đã mười có loại chảo nhẹ hơn nên đổ bánh được nhiều hơn”.
Trong khi đó ông Đào Quốc Hận (ngụ huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho hay: “Thời gian đầu do thấy khách đông nên đến làm giúp cho chùa, xem như làm công quả. Từ 6h sáng mình bắt đầu làm tới 6h chiều thì nghỉ. Lúc đầu chưa quen mình đổ bánh một lần còn ít, về sau xếp các lò thành vòng rồi người đổ bánh ngồi ở giữa làm, dần dần bánh đượcđổ trong nhiều chảo”.
Những người thợ cho biết, mỗi ngày thường cho ra lò khoảng 6.000 - 7.000 cái bánh xèo. Ảnh: M.A.
Được biết, ban đầu nơi đây chỉ làm ít và nhỏ lẻ để Phật tử thưởng thức như một loại bánh ăn chơi. Dần dà ngày càng nhiều khách phương xa đến chùa để thưởng thức món ăn này. Chính vì vậy, từ một vài chiếc chảo thì nay chùa đã có đến 40 chảo bánh, hoạt động liên tục tất cả các ngày trong tuần.
Xem thêm: Đại lễ Vesak LHQ 2019 hội tụ tinh hoa ẩm thực chay Việt
6 món đặc sản Lý Sơn mang hương vị gây thương nhớ của biển
Điều đặc biệt là thực khách được chứng kiến tay nghề cao của các đầu bếp, mỗi người phụ trách 1 giàn chảo và cùng lúc có thể đổ tới 12 chảo bánh. Một người đổ liên tục 1 – 2 tiếng rồi đổi ca cho người khác làm, cứ như thế các đầu bếp luân phiên cho ra lò những chiếc bánh xèo giòn rụm để phục vụ khách thập phương.
Tất cả bánh xèo chay ở đây đều được phục vụ miễn phí cho khách thập phương. Ảnh: M.A
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (ngụ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), chia sẻ: “Bánh xèo ở đây rất ngon, tôi ăn thấy bánh ngon hơn ở nhà mình làm. Lúc đầu nghe nói một người có thể đổ được cùng lúc nhiều chảo bánh mình cũng không tin, nay tận mắt chứng kiến tôi mới tin là thật”.
Với cái nóng hừng hực từ lửa đỏ và phải làm trong nhiều giờ liền nên cánh đứng bếp đa phần là nam giới. Để cho ra những chiếc bánh xèo thơm ngon và giòn rụm người thợ đổ bánh xèo ở đây làm việc luôn tay. Hết đổ bột, tráng bánh, bỏ nhân rồi đến đảo bánh… tất cả các thao tác đều rất nhanh nhẹn.
Các giàn chảo đổ bánh xèo đỏ lửa liên tục để phục vụ du khách. Ảnh: M.A
Những người thợ cho biết, mỗi ngày thường cho ra lò khoảng 6.000 - 7.000 cái bánh xèo, riêng vào các ngày thứ bảy, chủ nhật số lượng thường nhiều hơn. Thực khách khi muốn thưởng thức bánh, chỉ cần cầm đĩa xếp hàng quanh các vòng chảo là các đầu bếp sẽ cho bánh từ chảo nóng hổi lên.
Tuy được làm từ những nguyên liệu thông thường, nhưng nhờ kết hợp với các loại rau rừng đặc trưng khiến bánh xèo chay ở đây rất đặc biệt. Ảnh: M.A
Bánh xèo ở đây là bánh xèo chay được làm từ bột gạo, nước dừa, đậu hũ, đậu xanh, ăn kèm với bông điên điển và các loại rau rừng trên núi Cấm. Từ những nguyên liệu chay thông thường có ở nhiều nơi, những đầu bếp của chùa Bánh Xèo An Giang đã tạo nên món bánh thơm ngon hấp dẫn, để rồi ai ăn rồi cũng khó mà quên.
Mai Anh- Ngọc Quyên/ danviet.vn