Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Ảnh: Lục Tùng
Tọa lạc dưới chân Núi Sam, Miếu Bà được xem là trung tâm thu hút khách của danh thắng Núi Sam. Được xây dựng với kiến trúc cách điệu hình hoa sen nở với mái tam cấp lợp ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật, ngôi Miếu lớn nhất Việt Nam đã thu hút du khách ngay từ cái nhìn bên ngoài.
Miếu được xây dựng theo kiến trúc cách điệu hình hoa sen nở. Ảnh: Lục Tùng
Tượng Bà Chúa Xứ an vị ở vị trí trung tâm ngôi Miếu. Ảnh: Lục Tùng
Hơn thế nữa, đến đây, du khách còn được ngắm tượng Bà khổng lồ bằng Sa thạch an vị ở vị trí trung tâm. Đây cũng là nơi được nhiều du khách tìm đến để thỉnh lộc và cầu nguyện may mắn.
Sơn lăng Thoại Ngọc Hầu
Sơn lăng nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Lục Tùng
Nằm bên triền Núi Sam, lưng tựa núi, mặt hướng ra cánh đồng mênh mông, vị trí bán sơn địa này còn hấp dẫn du khách gần xa bởi đây còn là nơi an nghỉ của nhị vị phu nhân và danh thần Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) cùng các tướng sĩ cùng ông chinh phục thiên nhiên, khai phá vùng ĐBSCL và bảo vệ vùng biên thùy Tây Nam Tổ quốc.
Cổng sơn lăng. Ảnh: Lục Tùng
Mộ danh nhân Thoại Ngọc Hầu trong khuôn viên sơn lăng. Ảnh: Lục Tùng
Chùa Tây An
Được xây dựng lần đầu vào năm 1847 với mong muốn mang lại an bình cho vùng đất phía Tây đất nước.
Chùa Tây An. Ảnh: Lục Tùng
Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa theo dòng Lâm Tế có kiến trúc “kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam”.
Kiến trúc đặc trưng của chùa Tây An là sự kết hợp Ấn - Việt. Ảnh: Lục Tùng
Đến đây, du khách có dịp vãng cảnh chùa, tham quan ngôi mộ độc đáo của Hòa thượng Thích Pháp Tạng, tục danh Đoàn Minh Huyên (1807-1856) – được hậu thế xưng tụng là Phật Thầy Tây An - người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (1849), một trong những đạo phật giáo nội sinh của Việt Nam.
Mộ Phật Thầy Tây An trong khuôn viên chùa Tây An. Ảnh: Lục Tùng
Chùa Hang
Chính danh là Phước Điền tự, nhưng hậu thế biết đến nhiều với danh xưng Chùa Hang liên quan đến truyền thuyết trong nội tự có hang đá ăn thông ra tận biển.
Kiến trúc ở Chùa Hang. Ảnh: Lục Tùng
Tương truyền, có người đánh dấu vào trái dừa rồi thả vào hang, sau đó thấy nó xuất hiện ở vùng biển Hà Tiên (Kiên Giang)
Một góc Chùa Hang
Khởi đầu là am nhỏ, sau nhiều lần trùng tu, hiện ngôi chùa có kiến trúc đẹp, nằm thoai thoải bên triền Núi Sam nên cảnh rất thanh tịnh...
Từ Chùa Hang nhìn xuống là cả khung trời xanh trong. Ảnh: Lục Tùng
Cáp treo Núi Sam
Để tạo diện mạo mới cho danh thắng Núi Sam, tỉnh An Giang kêu gọi và được Cty CP MGA Việt Nam đầu tư công trình Khu du lịch tâm linh ngay khu vực chân Núi Sam, như dấu gạch nối di tích xưa với vẻ đẹp và tiện ích thời hiện đại.
Khu du lịch tâm linh của Cty CP MGA Việt Nam dưới chân Núi Sam. Ảnh: Lục Tùng
Trong giai đoạn 1, với vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, công ty đã xây dựng các hạng mục tâm linh, khu vui chơi giải trí và đặc biệt là hệ thống cáp treo sẽ lần đầu tiên đưa du khách dễ dàng chinh phục đỉnh Học Lĩnh sơn (Núi Sam), khám phá bệ đá tương truyền là nơi Bà Chúa Xứ Núi Sam ngự trước khi được thỉnh về an vị như hiện nay.
Đền Phật ngọc trên đỉnh Núi Sam. Ảnh: Lục Tùng
Tượng Phật ngọc trong khu tâm linh. Ảnh: Lục Tùng
Hơn thế nữa, vị trí này còn giúp du khách ngắm nhìn trọn vẹn thành phố Châu Đốc và kênh Vĩnh Tế - công trình lịch sử dài gần 100km nối Châu Đốc – Hà Tiên, gắn liền với công cuộc khẩn hoang vùng đất Nam Bộ xưa.
Lục Tùng/laodong.vn