Mâm cỗ chay thịnh soạn để cúng gia tiên đảm bảo đủ dưỡng chất, cân bằng âm dương và nhiều màu sắc từ các loại rau củ quả
Tháng 7 âm lịch là mùa Vu Lan báo hiếu của các Phật tử. Có nhiều cách để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, trong đó việc ăn chay để cầu bình an cho đấng sinh thành là điều vô cùng đáng quý.
Trong những ngày giỗ, những ngày báo hiếu cha mẹ, người thành tâm chay lễ, phóng sinh chứ không sát sinh sẽ góp phần giảm nghiệp cho cha mẹ của mình. Vậy nên mâm cỗ linh đình hay giản dị không quan trọng bằng tấm lòng thành tâm của người cúng.
Chị Nghiêm Thị Ngân ở Tây Hồ, Hà Nội, cho biết: “Cả năm có ngày rằm tháng 7 và vẫn thường gọi là ngày Vu Lan báo hiếu. Tôi cũng như bao người phụ nữ Việt Nam rất muốn làm mâm cơm dâng lên ông bà tổ tiên. Tôi thấy xu hướng ăn chay đã có từ lâu rồi. Nhân ngày Vu lan báo hiếu, tôi cùng chị em trong gia đình chuẩn bị mâm cỗ chay để dâng lên ông bà tổ tiên”.
Các món chay được chuẩn bị và chế biến công phu
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không có nhiều thời gian cũng như sự am hiểu chuẩn bị một mâm cỗ chay thịnh soạn để cúng gia tiên. Vì vậy, để phục vụ nhu cầu cúng mâm chay của người dân, dịch vụ về cỗ chay, làm mâm cơm chay theo đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Cỗ chay có thực đơn phong phú thay đổi theo từng mùa.
Không chỉ được bày biện theo đúng cấu trúc ngũ hành, một mâm cỗ cúng chay còn phải đảm bảo đầy đủ dưỡng chất và cân bằng âm dương cho cơ thể.
Anh Hoàng Văn Tuyên, chủ một cửa hàng ăn chay, cho biết: “Cấu trúc của mâm cỗ có món kho, món chiên, món xào, tất cả các loại rau củ quả và màu sắc của mâm cỗ phải đầy đủ xanh đỏ tím vàng, phải đầy đủ dưỡng chất. Mỗi loài rau, củ, quả đều có tên gọi, màu sắc và dưỡng chất riêng khác nhau.”
Ăn chay đang dần trở thành xu hướng, nét đẹp trong văn hóa người Việt
Việc ăn chay ở Việt Nam có từ thời Lý. Vào những ngày rằm và các lễ lớn trong năm, người ta thường ăn chay, đi chùa lễ Phật, cầu cho cuộc sống bình an. Vượt qua khái niệm của tôn giáo, ngày nay ăn chay đã trở thành xu hướng sống tích cực giúp thanh lọc cơ thể và góp phần bảo vệ môi trường.
TS Trần Hữu Sơn cho biết ăn chay là một cách thể hiện sự tôn trọng tự nhiên, bảo vệ môi trường. Ẩn sau đó là giá trị của tín ngưỡng thờ Phật, của Tôn giáo thờ Phật bao giờ cũng đề cao sự tránh sát sinh vì nó liên quan đến luật nhân quả, con người phải đề cao lòng từ bi bác ái.
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết cho biết: “Không phải riêng Việt Nam, tôi được biết là trên thế giới, các bạn Châu Âu, nước ngoài cũng có xu hướng ăn chay rất nhiều. Bởi vì, ý thức trong ăn uống bây giờ khác hơn ngày xưa. Ăn chay cũng là cách để tất cả các bộ phận, ví dụ như tim, mạch, thận, có thể được nghỉ ngơi. Nếu mình ăn nhiều quá thì cơ thể phải làm việc nhiều. Hầu như bây giờ, nhiều người cũng ý thức rằng một tuần nên ăn chay 2 - 3 ngày để thanh lọc các bộ phận, cho cơ thể được nghỉ ngơi.”
Có nghiên cứu cho rằng, ăn chay không chỉ giúp sức khỏe tốt hơn và tăng tuổi thọ mà còn giúp cho tâm tính con người trở nên hiền hòa, an vui. Lý do là bởi vì, thịt và máu động vật chứa nhiều chất kích thích hơn thảo mộc nên khiến con người và loài thú ăn thịt dễ bị kích động.
Ngược lại, người ăn chay với thức ăn chính là rau quả, ngũ cốc và trái cây thường có tâm tính hiền hòa hơn. Bởi vậy, với nhiều người, ngoài chuẩn bị một mâm cỗ chay tươm tất để dâng lên tổ tiên, cha mẹ thì việc ăn chay có thể kéo dài trong cả tháng Vu lan./.
Vietnam Journey/ TTXVN