Không xa Hà Nội có một khu di tích, hàng năm vào những ngày này, người dân khắp nơi đến thăm viếng với sự kính cẩn tôn nghiêm. Đó là đền thờ Chu Văn An, nơi thờ phụng người thầy giáo với tấm gương mẫu mực về tâm đức sáng ngời, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Chu Văn An, tên chữ là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông đã từng đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) nhưng không ra làm quan mà mở trường Huỳnh Cung bên kia sông Tô Lịch để dạy học. Sau này, ông được Vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho các Thái tử và phò giúp nhà vua. Đến thời Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, Chu Văn An khuyên can giúp nhà vua vững con thuyền an dân, còn dâng “thất trảm sớ” nhưng đều bất thành. Ông cáo quan về núi Phượng Hoàng ở ẩn, dạy học, viết sách, tìm thuốc chữa bệnh cho dân cho tới khi mất. Khi qua đời ông được Vua Trần Nghệ Tông phong tước Văn Trinh Công, tước phẩm cao nhất trong hạng tước và được thờ tự ở Văn Miếu.
Khu di tích danh thắng Phượng Hoàng – nơi thầy Chu Văn An về ở ẩn và dạy học, trải qua các triều đại được trùng tu, tôn tạo, xây dựng gồm nhiều hạng mục công trình nhưng qua thời gian và chiến tranh tàn phá đều bị hư hại. Từ năm 1997, chính quyền tỉnh Hải Dương bắt đầu từng bước khai quật khảo cổ và trùng tu tôn tạo, xây mới. Hiện nay, khu di tích tưởng niệm gồm 3 khu chính là Đền thờ, Lăng mộ thầy Chu Văn An và Điện Lưu Quang - nơi thầy Chu Văn An dạy học thuở xưa.
Toàn bộ công trình được trùng tu xây dựng đồng bộ, kiên cố theo đúng lối kiến trúc cổ. Bước lên hơn 100 bậc đá là ngôi đền thờ thầy giáo Chu Văn An. Đền thờ gồm tiền tế và hậu cung, có kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái.
Ngay trước đền là đôi rồng đá mang phong cách kiến trúc thời Trần được chạm khắc tỉ mỉ, uy nghi.
Vẻ đẹp thiên nhiên của vùng này đã đi vào thơ ca: “Kiệt sơn thất thập nhị phong. Phượng Hoàng bậc nhất trong vùng Chí Linh”.
Đường lên lăng mộ thầy giáo Chu Văn An nay đã được làm toàn bộ bậc đá, có lan can, hoà vào phong cảnh hai bên bạt ngàn rừng thông vi vu reo hát.
Lăng mộ thầy giáo Chu Văn An nằm tĩnh lặng trong khói hương thơm ngát, trên đỉnh phía đông núi Phượng Hoàng, được làm bằng chất liệu đá xanh, chạm khắc theo mẫu trang trí hoa văn thời Trần.
Cách khu lăng mộ khoảng 50m về phía tây có giếng Ngọc. Tương truyền, khi thầy giáo Chu Văn An mất, suốt cả năm trời hương khói bên mộ thầy trên đỉnh núi, các học trò đã tìm ra mạch nước và khơi thành giếng để giữ nguồn nước phục vụ cho việc thờ phụng thầy.
Giếng Ngọc đặc biệt ở chỗ lúc nào cũng đầy nước. Thành giếng được ốp đá cao hơn 1m, chạm trổ hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Nhiều người dân đến thăm viếng đều xin một gáo nước ở nguồn nước thiêng để rửa mặt.
Tên tuổi của Chu Văn An đã đi vào lịch sử dân tộc như một bậc nho học tiêu biểu của nước Việt, một tấm gương sáng về đạo làm người. Hàng năm, tại khu di tích, “Lễ khai bút đầu xuân” vào ngày 8 tháng Giêng (âm lịch) và “Lễ hội về nguồn” vào ngày 26 tháng 11 (âm lịch) đã trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong giáo viên và học sinh, sinh viên.
Khu di tích danh thắng này không chỉ là nơi giáo dục truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà còn trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách cả nước.
Theo vovworld.vn