Đường vào Làng trầu Vị Thủy
Cách trung tâm huyện chỉ vài cây số nhưng khi đến ấp 5 xã Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang bắt gặp những vườn trầu xanh mướt, lá óng ánh vàng dưới nắng mai du khách thấy lòng lâng lâng như lạc vào một thế giới khác. Vào thời điểm này, bà con nơi đây đang tất bật chăm sóc vườn trầu để kịp thu hoạch lá giao thương lái mang đi các nơi bán Tết.
Những vườn trầu óng ánh vàng dưới nắng mai
Bà Phan Thị Năm, người dân ở trong ấp thường gọi là bà Năm Đỉnh, 78 tuổi cho biết, gia đình bà đem dây trầu về trồng đầu tiên ở vùng đất này. Dây trầu không chỉ giúp bà nuôi con cái nên người mà còn mua sắm được ruộng đất.
Những vườn trầu óng ánh vàng dưới nắng mai
“Hồi đó có ông già ăn trầu mà mua trầu mắc quá, mới năn nỉ vườn người ta mua một nọc trầu một đem về trồng, rồi kéo ra được 3 nọc, rồi qua năm sau được 6 nọc, rồi 9 nọc, rồi thủng thẳng làm ra thêm. Bán cho người ta rồi người ta cũng nhân ra vậy đó, dài tới đằng kia có nhóc luôn, ở đây người ta mới kêu ấp 5 vườn trầu đó. Hồi đó nghèo không có ruộng, rồi làm ra bán có tiền cũng tằn tiện, rồi mua ruộng đồ cũng được mười mấy công” – bà Năm chia sẻ.
Từ những hộ trồng trầu ở ấp 5, dần theo năm tháng vườn trầu nhân rộng ra ở các ấp khác trong xã Vị Thủy. Hiện toàn xã có gần 200 hộ trồng trầu với tổng diện tích hơn 32ha. Theo nhiều hộ dân ở đây thì trồng trầu không cần nhiều diện tích, có thể tranh thủ trồng ở những khoảnh đất hẹp.
Mỗi gia đình trồng trầu ở đây có từ vài trăm đến vài ngàn nọc trầu
Sau 4-5 tháng xuống giống, dây trầu sẽ bắt đầu cho lá, sau đó cứ 10 đến 15 ngày thì thu hoạch một lần. Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng nên được nhiều người ưa thích. Thông thường, thương lái đến tận vườn thu mua trầu rồi chở đi các nơi giao lại cho bạn hàng ở các tỉnh, thậm chí có thời điểm được thương lái mua xuất sang nước ngoài nơi có tục ăn trầu như Campuchia, Đài Loan…
Những vườn trầu đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở đây
Ngày nay, ở nước ta phụ nữ đã bỏ dần tục ăn trầu, ngay cả người già cũng không thích nhai trầu bỏm bẻm, tuy nhiên theo phong tục cổ truyền của dân tộc, trái cau, lá trầu được coi như một thứ lễ vật thiêng liêng không thể thiếu trong lúc gia đình có hỷ sự như ngày giỗ, ngày Tết, lúc hội hè, đình đám, đặc biệt là lễ cưới hỏi.
Lá trầu vừa thu hoạch
Còn đối với nhiều du khách, khi có dịp đi ngang qua làng trầu Vị Thủy, nhìn thấy những giàn trầu óng mượt giữa một không gian yên tĩnh, thơ mộng, ai nấy cũng đều muốn dừng chân vào chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn chút hồn quê còn lưu lại nơi này.
Vườn trầu Vị Thủy nên thơ giữa vùng sông nước miền Tây
Theo ông Nguyễn Văn Vui - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết, người trồng trầu ở đây có thu nhập cao hơn trồng lúa nhiều lần, hơn nữa, trầu là nét đẹp văn hóa của Vị Thủy nên địa phương đang giữ gìn và phát triển gắn với tham quan du lịch để nâng cao hiệu quả của một làng trầu truyền thống.
Sắp trầu thành từng ốp
“Hằng năm có rất nhiều đoàn du lịch của các tỉnh đến tham quan vườn trầu, cho nên chính chỗ này chúng tôi có đề xuất xây dựng làng ngề phát triển du lịch ở đây. Vấn đề này chúng tôi xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện Vị Thủy từ đây đến năm 2025” - ông Vui khẳng định.
“Anh về cuốc đất trồng cau
Cho em trồng ké dây trầu một bên
Chừng nào trầu nọ lớn lên
Cau kia ra trái làm nên cửa nhà”Những ốp trầu chuẩn bị giao cho khách hàng
Không nổi tiếng như trầu Hóc Môn - Bà Điểm, không lâu đời như trầu Long Xuyên ở tỉnh An Giang, nhưng trầu Vị Thủy vẫn có sức thu hút riêng và hiện nay nơi đây đã trở thành vùng chuyên canh trầu lớn nhất vùng ĐBSCL. Mặc cho thời gian trôi qua với nhiều thay đổi, người dân Vị Thủy vẫn một lòng thủy chung, son sắt với dây trầu, bởi lẽ, không chỉ là vấn đề mưu sinh, trồng trầu đã trở thành nét văn hóa truyền thống mà người dân nơi đây đang cố gắng giữ gìn.
Tấn Phong/ VOV ĐBSCL