Đọt choại
Là một loại cây thuộc họ dương xỉ, mầm của nó trông giống như vòi voi, ăn giòn giòn khá giống với ngọn su su, có vị nhạt và nhớt như rau đay nhưng sau có vị ngọt. Gọi là đọt choại tức là chỉ phần đọt của cây dây choại. Dây choại là cây mọc thành rừng ở các vùng đất ngập mặn ở các tỉnh như Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang.
Cũng có thể bắt gặp loại cây này bên các bụi tre, liếp dừa hay các bụi cây gần sông. Có loại choại rừng và choại vườn. Choại vườn thường có vị ngọt, giòn, mùi hấp dẫn. Trước kia, đây là loại rau phổ biến của người nghèo, nhưng ngày nay, đọt choại trở thành món ăn thời thượng, là loại đặc sản rau sạch ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đọt choại xào. Ảnh: dacsanvina.net
Đọt choại có thể luộc chấm mắm kho quẹt hoặc xào với tép. Nước luộc đọt choại có thể chế thêm chút muối là được bát nước rau nóng, có thể húp sau khi vừa dùng bữa. Đọt choại cũng có thể ăn sống hoặc ăn cùng các món lẩu như một số loại rau khác cũng rất thú vị.
Sỏi mầm
Sỏi mầm có lẽ sẽ là một trong những món ăn mang lại nhiều trải nghiệm thích thú với các thực khách khi đến Hậu Giang. Món ăn này lạ từ cái tên cho đến cách thưởng thức. Thoạt nhìn, những gì bày ra trước mặt chỉ là một đĩa…sỏi đặt trên lá sung, xung quanh toàn là các loại rau (cải bắp, rau sống, ớt tươi…), bên cạnh là một đĩa thịt lợn rừng được tẩm ướp và thái mỏng thành miếng vừa ăn.
Những viên sỏi được nung nóng rẫy, đặt trên lá sung. Ảnh: vietnamnet
Thực ra, những viên sỏi đóng vai trò như chiếc bếp được nung nóng rẫy để nướng chín thịt. Khi ăn chỉ cần đặt từng miếng thịt lên sỏi cho đến khi chín vàng rồi để thịt vào các loại rau sống cuốn lại thành miếng vừa ăn, chấm mắm chua cay tỏi ớt. Ăn thịt nướng thế này không bị ám khói bếp, mà vẫn cảm nhận đầy đủ hương vị của món ăn. Nếu một lần đến Hậu Giang, bạn đừng quên thử món sỏi mầm.
Cháo lòng Cái Tắc
Cháo lòng Cái Tắc, món ngon Hậu Giang. Ảnh: dantri
Cháo lòng Cái Tắc là món ngon của Hậu Giang, lấy theo tên địa danh nổi tiếng với món ăn này, chính là thị trấn Cái Tắc, thuộc huyện Châu Thành A. Cháo lòng ở đây cũng có đầy đủ các thành phần cháo, tiết, gan, lòng, tim…nhưng được người đầu bếp chuyên nghiệp lâu năm chế biến từ các nguyên liệu tươi ngon, mới lấy về từ sáng sớm, chứ không phải đồ được mua từ trước, tích trữ đông lạnh.
Gạo để nấu cháo là loại gạo khô cơm và không rang (để đảm bảo mùi vị và cảm quan của món ăn). Cháo nấu xong phải ăn nóng, kèm chút giá sống, rau đắng, rau má, vài chiếc quẩy giòn…nhâm nhi thêm một đĩa lòng với bát nước mắm giấm ớt thì quá đầy đặn. Một tô cháo lòng Cái Tắc có giá từ 15.000 đến 40.000 tùy theo yêu cầu của thực khách.
Cá thác lác Hậu Giang
Cá thác lác tẩm muối sả ớt chiên. Ảnh: doanhnhansaigon
Nhiều người bảo rằng, nếu tới Hậu Giang mà chưa ăn cá thác lác (hay còn gọi là cá thát lát) là chưa thực sự đặt chân tới đây. Cá thác lác mà đặc biệt là cá thác lác cườm là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Hầu hết các nhà hàng, quán ăn ở Hậu Giang đều có món cá thác lác. Đơn giản nhất là cá thác lác tẩm muối sả ớt chiên, có vị ngọt cay, giòn rụm, ăn kèm với các loại rau sống. Được biết, cửa hàng số 5 đường Nguyễn Công Trứ - thị xã Vị Thanh là một trong những quán ăn có món cá thác lác muối sả ớt chiên giòn ngon nhất.
Tiếp đến là món chả cá thác lác có thể nấu canh rau tần ô, nấu lẩu, ăn với cơm hay chế thành món bún cá thác lác. Cá thác lác có vị ngọt, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Du khách tới Hậu Giang có thể mua một vài gói chả cá thác lác về làm quà.
Bánh xèo bông điên điển
Ảnh: queminhngaymoi
Vào mùa nước nổi, bông điên điển trổ hoa vàng rộ, người dân Hậu Giang thường lấy hoa điên điển chế thành các món ăn, trong đó có món bánh xèo bông điên điển. Vỏ bánh xèo được chế biến khá công phu từ các nguyên liệu gồm bột gạo, nước cốt dừa, trứng, nghệ, nêm nếm gia vị đầy đủ rồi cho vào chảo chiên thật khéo sao cho vỏ bánh vừa chín, mỏng, giòn.
Sau đó, cho nhân thịt bằm đã tẩm ướp và nấu chín, thêm củ sắn, bông điên điển, đậy nắp để chín tới là vừa ngon. Vị ngọt của bông điên điển kết hợp với mùi thơm, giòn của vỏ bánh và bùi ngậy của thịt cùng củ sắn làm cho món ăn càng trở nên dân dã, đậm đà.
Hồng Điệp (tổng hợp)