Theo sử sách xưa ghi lại, đền Voi Phục được xây dựng từ năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (năm 1065) đời Lý Thánh Tông ở góc phía Tây Nam thành Thăng Long cũ, thờ Linh Lang Đại vương - thần Linh Lang. Do vậy, đền Voi Phục còn có tên gọi khác là đền Linh Lang.
Cổng vào Đền Voi Phục nằm trên đường Kim Mã (Ba Đình - Hà Nội)
Tích xưa kể lại, thần Linh Lang vốn là hoàng tử con vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Hạo Nương. Tương truyền, lúc mới sinh, trước ngực Hoàng tử có chòm sao Bắc đẩu, sau lưng có 28 vì tinh tú xếp như vẩy rồng. Nhà vua gọi tên Hoàng tử là Hoàng Lang. Tên Vương tôn nhà Lý là Hoàng Chân.
Khi quân Tống sang xâm lược bờ cõi nước ta, lúc đó Hoàng tử đã lớn, có đủ sức khỏe, bèn xin vua cha ban quân và hai thớt voi để đi đánh giặc. Khi voi đến, Hoàng tử bắt voi quỳ xuống, voi liền quỳ xuống rồi đưa ngài và các tướng sỹ ra trận. Trong một lần giáp chiến với quân giặc trên phòng tuyến sông Cầu, Hoàng tử đã hy sinh.
Hai con voi đá nằm phủ phục trước cửa đền ngày nay vẫn được nhân dân thờ phụng
Để ghi nhớ công lao của hoàng tử, Đức vua Lý Thánh Tông đã sắc phong cho Hoàng tử là Linh Lang Đại vương và cho xây dựng đền thờ và cho tạc hai con voi đá nằm phủ phục trước cửa đền, sau này, dân chúng gọi luôn là đền Voi Phục.
Kể từ đó, để tưởng nhớ thần Linh Lang, hằng năm cứ đến ngày 9, 10 và 11/2 âm lịch, nhân dân ở đây tổ chức lễ hội đền Voi Phục. Đây là hội rước lớn với cờ quạt, chiêng trống, lọng, tàn, tán nối nhau thành hàng dài cùng phường bát âm và đội sênh tiền rất nhộn nhịp.
Cho đến ngày nay, đền Voi Phục cổ kính ngày nào cũng có đông khách tới thăm quan, vãn cảnh. Đây được xem là một trong những địa chỉ tâm linh và thắng cảnh hàng đầu của Thủ đô Hà Nội.
Đường dẫn vào đền vẫn còn nhiều cây cổ thụ cao lớn, đặc biệt là 9 cây muỗm cổ thụ
Thật hiếm có ngôi đền nào còn giữ được vẻ đẹp cổ kính, yên bình như ngôi đền từng là trấn Tây thành Thăng Long xưa. Đặc biệt, đường vào đền vẫn còn 9 cây muỗm cổ thụ đã 900 tuổi cao lớn, xanh tốt trồng vòng quanh đền. Xung quanh đền, những rặng sị, cây hoa lan vàng anh… rợp bóng mát, ngát hương thơm.
Toàn bộ khuôn viên thờ cũng đặc biệt tâm linh: “Tiên thờ Thánh – Hậu thờ Mẫu” mang nhiều dấu ấn lịch sử thiêng liêng, quyền năng siêu nhiên, hợp tự phối thờ Đạo Mẫu, xứng tầm “Thượng đẳng tối linh từ”.
Thật hiếm có ngôi đền nào còn giữ được vẻ đẹp cổ kính, yên bình như đền Voi Phục ngày nay
Điều đặc biệt, trong đền vẫn còn giữ lại được hai pho tượng đồng và một hòn đá to có vết lõm, tương truyền là nơi Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hoá thành con giao long. Đáng chú ý rằng hầu hết các pho tượng đá từ thềm tam quan cho đến thềm hậu đường đều thể hiện hình con sấu trước và trong khi hóa rồng.
Trước sân tiền tế có nhiều bậc đá khá cao dẫn xuống một cái giếng hình bán nguyệt. Phía đó có con đường nho nhỏ men theo bờ hồ cũng được lát gạch, dẫn tới một cây cầu dài và cong bắc sang vườn thú của công viên Thủ Lệ.
Giếng hình bán nguyệt phía trong đền
Trên thác ghềnh của lịch sử, đền Voi Phục được coi như một trấn thiêng ở phía Tây của thành Thăng Long, đền không chỉ liên quan trực tiếp với Kinh đô mà nó đã hội vào bản thân rất nhiều dòng chảy của tín ngưỡng dân gian để tồn tại với thời gian.
Cũng vì lẽ đó, đền Voi Phục đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 28/4/1962. Trải qua hàng trăm năm, đền Voi Phục mãi xứng đáng là một điểm sáng trong tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đúng như câu đối xưa vẫn còn tồn tại:
Đông Cung phút chốc cưỡi rồng bay, vẫn đây truyền thắng tích
Trấn Tây mãi mãi có Voi Phục, muôn thuở vững miếu thờ.
Theo Người lao động