Du lịch xanh: Loại hình mới mẻ cả về cách tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên |
Tài nguyên thiên nhiên phong phú và một nền văn hóa giàu bản sắc đã tạo tiền đề thuận lợi cho Việt Nam phát triển du lịch xanh. Những năm gần đây, một số địa phương trong cả nước đã tập trung khai thác du lịch thân thiện với môi trường: một số tỉnh Tây Bắc xây dựng các tour du lịch cộng đồng, Huế phát triển du lịch nhà vườn, khu vực Nam Bộ tập trung vào du lịch miệt vườn…
Tuy nhiên, hoạt động du lịch nước ta còn tồn tại một số vấn đề khiến du lịch xanh chưa thực sự “cất cánh” được. Điển hình là việc khai thác du lịch chưa gắn với bảo tồn tài nguyên môi trường. Việc phát triển quá nóng đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch.
Mô hình du lịch homestay ở Pù Luông, Thanh Hóa
Điều này có thể nhìn thấy rõ tại Vịnh Hạ Long, danh thắng đã 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Tháng 6/2018, chương trình "Hành động vì Hạ Long xanh: Hướng tới Du lịch không rác" chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ đã thu gom được số lượng rác thải lên tới hơn 740 kg ở hai bãi biển Cọc Chèo và Áng Dù. Trong đó, tới 70% là phao xốp dạt vào bờ, còn lại là dây thừng, lưới đánh bắt cá, vỏ nhựa, túi nilon..
Bên cạnh đó, vì mục đích kinh tế, với mục tiêu ngắn hạn là giảm chi phí và tăng lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp du lịch, thay vì phải tiến hành khảo sát cung-cầu để đánh giá, xây dựng tour thì lại chỉ tiến hành “sao chép” sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp khác, chưa thực sự chú ý đến sự phát triển bền vững. Đây là thực trạng khá phổ biến đối với ngành du lịch Việt Nam.
Giải pháp nào cho một nền du lịch xanh? |
Phát biểu tại Diễn đàn Du lịch Xanh bên lề Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2019, GS-TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) nêu lên một loạt giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh.
Trước tiên, về phía doanh nghiệp, theo GS-TS Nguyễn Văn Đính, phải nâng cao nhận thức và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch xanh, biến nhận thức thành hành động cụ thể trong việc xây dựng, quản lý và tổ chức các chương trình du lịch bền vững. Thực tế là những năm qua, khách du lịch đến Việt Nam, nhất là khách đến từ các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Thái Lan… có xu hướng chọn các tour du lịch gắn với bảo tồn tự nhiên.
GS-TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam)
Theo một khảo sát do tổ chức Trip Advisor tiến hành, 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và bảo tồn nguồn tài nguyên.
Về phía nhà nước cần xây dựng và ban hành “bộ tiêu chí du lịch xanh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch sẽ vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đồng thời đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như: “tour du lịch xanh”, “khách sạn xanh”, “nhà hàng xanh”, “khu nghỉ dưỡng xanh”…
Du khách nước ngoài ngày càng quan tâm đến các khu lưu trú, nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường
Bên cạnh đó, nhà nước cần tiếp tục mở rộng, phát triển các ý tưởng và tham gia tích cực vào các hoạt động của Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp cận nhanh những công nghệ sạch của cộng đồng khoa học thế giới và các nước có nền du lịch xanh phát triển, từ đó vận dụng vào phát triển du lịch xanh tại Việt Nam.
Singapore là quốc gia tiên phong trong việc xây dựng, quản trị và phát triển du lịch xanh
Mặc dù có tiềm năng to lớn nhưng thực tế, du lịch xanh ở Việt Nam mới chỉ là khái niệm mới được nhắc tới vài năm gần đây. Do vậy, việc nâng cao nhận thức để tìm ra hướng đi chiến lược, những giải pháp đúng đắn, những mô hình quản trị tiên tiến là ý nghĩa sống còn để nắm bắt xu thế tất yếu của ngành du lịch trong tương lai.
Anh Vũ/ Vietnam Journey