A Pa Chải
Nơi này được mệnh danh là “1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy”. Nằm ở độ cao 1864 m so với mực nước biển. Nơi đây tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác. Đường đi ở đây đầy khó khăn và thử thách nhưng vẫn là sự lựa chọn của nhiều người. Thời điểm tốt nhất để đi A Pa Chải là mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 4 Dương lịch.
Đồn biên phòng A Pa Chải. Ảnh: Blog du lịch
Di tích chiến thắng Điện Biên Phủ
Quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ là một quần thể các di tích lịch sử nằm tại tỉnh Điện Biên ghi lại chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, nơi đây đã được Thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Các di tích nổi bật có: Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, di tích đồi A1, hầm Đờ Cát, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ và di tích lịch sử Mường Phăng.
Bảo tàng Điện Biên Phủ
Cánh đồng Mường Thanh
Từ lâu, câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc với ngụ ý xếp hạng các cánh đồng, mà trong đó Mường Thanh chính là cánh đồng rộng lớn nhất. Từ cuối tháng 9, lúa mùa khu vực lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ, khiến du khách ghé thăm ngỡ như đi giữa mùa vàng. Hạt gạo Mường Thanh nhỏ, có hương thơm tự nhiên, khi nấu cơm trắng, dẻo ngọt và có vị đậm đà.
Mường Thanh nhìn từ trên cao. Ảnh: baomoi.com
Hồ Pá Khoang
Hồ Pá Khoang cách thành phố Điện Biên gần 20km, nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ, ẩn hiện trong mây trời non nước. Vào mùa đông sương mờ buông phủ tạo một phong cảnh huyền ảo, thấp thoáng nơi xa là những dãy núi trập trùng, những nếp nhà xinh xắn. Mùa hè không khí nơi đây thật dễ chịu với những luồng gió nam mát dịu.
Một chiếc cầu treo trên hồ Pá Khoang. Ảnh: moitruong24h.vn
Mường Lay
Mường Lay là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Điện Biên nối với tỉnh Lai Châu, là mảnh đất đã trải qua bao thăng trầm lịch sử. Hiện tại Mường Lay có cảnh quan du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn, trên là núi dưới là hồ được ví như một Hạ Long trên cạn. Đến với Mường Lay, không nên bỏ lỡ cơ hội du ngoạn bằng thuyền trên lòng hồ, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước.
Trung tâm thị xã Mường Lay. Ảnh: Dulich24
Động Pa Thơm
Động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi, cửa động hình mái vòm, cửa cao 12m, rộng 17m, mái đá nhô ra 7m. Chính giữa lối vào là một khối đá khổng lồ sừng sững giống như đầu voi đang rũ xuống. Ngay từ ngoài cửa hang đã có nhiều nhũ đá với nhiều hình hài hết sức sống động. Ngoài giá trị thắng cảnh, Động Pa Thơm còn được gắn với những huyền thoại, truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa.
Huyền ảo động Pa Thơm. Ảnh: vietnamtourism.com
Động Xá Nhè
Động Xá Nhè được người dân tộc Mông địa phương gọi là Khó Xo. Động Xá Nhè nằm trong khung cảnh thiên nhiên hết sức đẹp và hùng vĩ. Màu xám thâm trầm của những khối núi đá hòa vào màu xanh của rừng, màu vàng của lúa nương những ngày vào vụ. Động có 5 khoang lớn nhỏ nhưng vẻ đẹp của mỗi khoang không hề giống nhau, tạo cho người xem sự thú vị và kích thích trí tò mò.
Thạch nhũ trong động Xá Nhé. Ảnh: Dân Việt
Động Khó Chua La
Động Khó Chua La là một kỳ quan mới lạ, kỳ thú còn nguyên vẻ đẹp nguyên sơ. Hang động cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, với chiều sâu hơn 800m, chia làm 3 khoang. Dịch sang tiếng phổ thông Khó Chua La có nghĩa là hang động khỉ. Để vào được bên trong, du khách phải bám vào vách đá rồi tụt xuống một khe nhỏ rộng 2,5m, cao 3m. Càng vào trong hang động bạn sẽ càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hết sức sinh động và lộng lẫy do thạch nhũ tạo nên.
Động Khó Chua La còn tương đối hoang sơ. Ảnh: UBND Tỉnh Điện Biên
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé
Nằm trên địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, nhìn từ trên cao, phong cảnh núi rừng Mường Nhé giống như một bức tranh đẹp và rất có hồn. Pha lẫn trong màu xanh của cây rừng, màu vàng rực của hoa cúc quỳ cùng màu vàng đỏ của những đoạn đường đất chưa được trải nhựa. Bên cạnh đó, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có hệ động và thực vật đa dạng vào loại nhất Việt Nam.
Phong cảnh Mường Nhé như một bức tranh