Sìn Hồ
Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, cao nguyên Sìn Hồ được ví như nóc nhà của tỉnh Lai Châu. Nơi đây khí hậu khá giống với thị trấn Sa Pa, quanh năm mát mẻ tạo điều kiện cho nhiều giống hoa, quả ôn đới như mận, đào, lê… phát triển. Từ thị xã Lai Châu, đường lên Sìn Hồ ngang qua nhiều khu rừng rậm với những thung lũng, khe suối cùng hệ thống hang động khá phong phú.
Biển mây ở Sìn Hồ. Ảnh: ivivu.com
Than Uyên
Đến Than Uyên, bạn được hòa vào một cuộc sống bản địa mộc mạc của những nhịp chân dệt thổ cẩm. Thả hồn trên cánh đồng Mường Than với nhịp sống lao động đầy sắc màu quyến rũ, bạn sẽ như lạc vào thảo nguyên bao la trong cổ tích. Thỉnh thoảng cơn gió ùa về lòng chảo tạo nên vùng tiểu khí hậu khá đặc biệt trên cánh đồng đẹp thứ ba vùng Tây Bắc.
Cánh đồng Mường Than. Ảnh: mytour
Pú Đao
Năm 2006, làng bản Pú Đao (Sìn Hồ, Lai Châu) được hãng du lịch Gecko Travel của Anh bầu chọn là một trong 5 điểm trekking hấp dẫn nhất Đông Nam Á, với vẻ đẹp bất ngờ và thân thiện. Tuy dân cư thưa thớt, địa thế xa xôi, hẻo lánh nhưng với cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ, nơi đây giống như “thỏi nam châm” hút những ai mê khám phá những vùng đất mới.
Pú Đao còn vô cùng hoang sơ. Ảnh: vamvo.com
Nà Khương
Sải bước qua chiếc cầu treo nằm trên con suối Nậm Mu và lang thang trên các con đường nhỏ uốn lượn, bạn sẽ bước vào 1 cánh đồng lúa chín tuyệt đẹp nằm lọt thỏm giữa các đồi núi bao quanh. Điểm nhấn của Nà Khương là hơn hai chục chiếc guồng nước (hay còn gọi là cọn nước) hoạt động suốt ngày đêm, không cần đến sức người, không cần đến động cơ.
Cọn nước ở Nà Khương. Ảnh: Hà Tĩnh - Tintuc.vn
Dào San
Dào San nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu chừng 60km về phía Bắc, là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Hà Nhì… Ấn tượng của du khách về Dào San là những cánh rừng xanh ngút ngàn, những đồi thảo quả trải dài đến vô tận, những con đường nhiều tầng xuyên qua mây trắng những dòng suối róc rách chảy, những thửa ruộng bậc thang leo lên đỉnh núi.
Chợ phiên Dào San nổi tiếng. Ảnh: baomoi.com
Thu Lũm
Thu Lũm nhiều phượt thủ phải lắc đầu vì độ gian khó nhưng cũng rạo rực mơ ước được một lần đặt chân đến đó để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Cung đường đất đỏ ngập hơn nửa mét sình nằm cheo leo bên bờ vực, phía dưới sâu là dòng sông Đà đỏ quạch cuồn cuộn chảy xiết, trên đầu thì những vách đá cao luôn chực lở.
Ruộng bậc thang Thu Lũm. Ảnh: mytour
Sì Lờ Lầu
Sì Lờ Lầu, theo tên gọi của đồng bào Dao đỏ nghĩa là “12 tầng dốc”, cao so với mặt nước biển khoảng 2.000 m, mở mắt ra là đụng núi vướng mây và xa tít xa tắp nên rất ít người, kể cả người bản địa Lai Châu biết đến địa danh này. Sì Lờ Lầu nổi tiếng với một phiên chợ lùi mang tên Sừng, vì chợ họp vào ngày hai con vật có sừng trong 12 con giáp là con dê (ngày Mùi) và con trâu (ngày Sửu).
Điểm cao ở Sì Lờ Lầu. Ảnh: Du lịch, GO
Thác Tác Tình
Thác Tác Tình còn được gọi là thác Tắc Tình hay theo cách gọi thân thương của người dân nơi đây là thác Tình. Bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, thác Tác Tình có độ cao hơn 100m. Từ xa thác trông như một dải lụa trắng mềm mại, nổi bật giữa không gian núi non trùng điệp, phủ xanh cây cỏ. Thác Tác Tình mỗi mùa mang mỗi vẻ đẹp riêng.
Vẻ hùng vĩ của thác Tác Tình
Sì Thâu Chải
Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải xã Hồ Thầu cách trung tâm huyện Tam Đường chừng 6 km, nằm ở độ cao 1400m, là nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân với 100% là người Dao đầu bằng sinh sống. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành cùng với những phong tục tập quán độc đáo của người dân nơi đây, bản Sì Thâu Chải đã trở thành một điểm đến hấp dẫn ở Tam Đường.
Biển mây ở Sì Thâu Chải