Ngày 27/2, “Ðề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp” (phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã được phê duyệt. Từ đây, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - nơi lưu giữ các giá trị văn hóa quý báu trước nguy cơ mai một do quá trình đô thị hóa cũng đã được thắp lên hy vọng được bảo tồn và phát triển.
Ông Trương Quang Tịnh giới thiệu những bức tranh sơn mài hàng chục năm tuổi
Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp ở Bình Dương vốn nức tiếng cả nước bởi chất lượng, sự tinh xảo, nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông. Theo các nghệ nhân thì thời kỳ vàng son nhất của làng nghề là vào khoảng thập niên 1980 - 1990 khi mà sản phẩm được tặng thưởng nhiều huy chương trong nước; được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng như: Đức, Pháp, Canada, Nhật Bản... Với việc thành lập hợp tác xã sơn mài có trên 160 xã viên, hơn 700 hộ dân, nghề sơn mài không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động từ các nơi khác đến.
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh giới thiệu sản phẩm sơn mài đang được ưu chuộng
Đó là thời vàng son, còn nay nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp đang dần mai một bởi cơ chế thị trường. Nhiều hộ gia đình phải bỏ nghề, một số cơ sở sản xuất lớn không thể duy trì sản xuất do không có nguồn vốn đầu tư dài hạn và đang đứng trước nguy cơ phá sản. Từ hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, đến nay Tương Bình Hiệp chỉ còn khoảng vài chục cơ sở.
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh trăn trở: “Những người học nghề không còn, trường Trung cấp Mỹ Thuật-Văn hóa Bình Dương tuyển sinh không có người học về khoa sơn mài. Đó là nỗi buồn lớn đối với ngành sơn mài, ngành mỹ thuật của Thủ Dầu Một nói chung của Tương Bình Hiệp nói riêng. Lương đủ sống với tình hình kinh tế phát triển sẽ có đội ngũ kế thừa, nếu không sẽ khó giữ”.
Khách du lịch đến xem các công đoạn làm ra các sản phẩm sơn mài
Làm sao để làng nghề không bị mai một, người dân có thể sống được với nghề đang là nỗi băn khoăn của lớp nghệ nhân lớn tuổi. Ông Trương Quang Tịnh, chủ cơ sở sơn mài Định Hòa cho rằng, “chìa khóa” để giúp nghề sơn mài tiếp tục tồn tại và phát triển chính là giải quyết được bài toán về kinh tế: "Nâng cao giá trị của nghề sơn mài, cũng như sản phẩm sơn mài để người ta biết đến đây là bản sắc đặc biệt của Bình Dương, từ đó mới có thêm nhiều thị trường tiêu thụ. Đồng thời, phải giáo dục các em học sinh, nhất là cấp trung học, để các em có tình yêu với sơn mài thì mới có động lực ghi danh vào học khóa sơn mài, hoặc trường Trung cấp Văn hóa - Mỹ thuật Bình Dương".
Để vực dậy làng nghề truyền thống, Bình Dương đã lập hồ sơ xin công nhận nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và đến năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức công nhận.
Giới thiệu các sản phẩm sơn mài
Cũng thời điểm tỉnh Bình Dương bắt đầu xây dựng "Ðề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp” do các sở, ngành trong tỉnh thực hiện. Thế nhưng đề án vẫn không được thực hiện do "quả bóng" trách nhiệm được đá đi đá lại. Đến tháng 5/2017, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục giao thành phố Thủ Dầu Một phối hợp nghiên cứu “Ðề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp”.
Khách tham quan cơ sở sản xuất sơn mài Tư Bốn trải nghiệm cách làm ra sản phẩm
Theo đó, đề án sẽ tập trung vào xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề. Đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề sơn mài tỉnh Bình Dương với bạn bè trong và ngoài nước.
Ông Trần Sỹ Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một cho biết: "Ngày 27/2, đề án đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt và địa phương bắt tay vào ngay trong việc nỗ lực để lưu giữ, phát triển nghề sơn mài. Đào tạo nguồn nhân lực sẽ phối hợp với Hiệp hội sơn mài Bình Dương, trường Trung cấp Mỹ Thuật Văn hóa Bình Dương để tiến hành tham gia đào tạo lại thợ nghề trong khu vực này để duy trì và bảo tồn. Mời các nghệ nhân lập tiểu sử làng sơn mài Tương Bình Hiệp sự hình thành và phát triển làng sơn mài để lớp trẻ thấy ý nghĩa và tầm trọng của nghề sơn mài”.
Việc Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được thông qua đã mở ra hy vọng cho nhiều lớp nghệ nhân. Trước những “sóng gió” của làng nghề, tất cả mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện đề án một cách nghiêm tục để khôi phục làng nghề trước nguy cơ mai một./.
Theo VOV.VN
Ngày 23/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Bảo...
Ngày 23/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức lễ công bố quyết định công nhận bảo vật...
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn về việc thực hiện các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh...
Ngày 5/2, ông Nguyễn Khoa Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, do tình...
Để chuẩn bị đón Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021, người dân làng gốm ở đất Lái Thiêu (thành phố Thuận An, tỉnh...
(VOVTV) - Sáng ngày 4/12, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 (mở rộng), Tỉnh ủy Bình Dương đã...
Đón liền một lúc hơn 60 thai phụ, Bình Dương "bất đắc dĩ" phải lập phòng sanh ngay trong khu cách...
Sáng 15/10, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI,...
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung...
Sáng 14/10, khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025....
Hiện nay, sản phẩm từ nghề truyền thống chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và gặp nhiều khó...
Hôm nay (11/8), lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương xác nhận, tại khu cách ly tập trung phòng chống dịch...