Một di sản đô thị quý giá
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người Pháp triển khai xây dựng hàng loạt khu phố mới cùng nhiều công trình văn hóa, dân sinh, quân sự... tại Hà Nội nhằm khẳng định dấu ấn của chính quyền thực dân tại các nước thuộc địa. Năm 1918, người Pháp đã xây dựng dinh Thống sứ Bắc Kỳ tại vị trí giao nhau giữa đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền ngày nay) và phố Chavassieux (phố Lê Thạch).
Dinh Thống sứ Bắc Kỳ mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu hài hòa cùng kiến trúc bản địa, có quy mô bề thế, thể hiện tầm quan trọng của một cơ quan hành chính cao cấp nhất xứ Bắc Kỳ. Mặt chính của công trình hướng ra vườn hoa Chavassieux mà người dân quen gọi là vườn hoa Con Cóc. Tòa nhà gồm 3 tầng: Tầng hầm là nhà kho, phòng phục vụ và phòng lưu trữ giấy tờ. Tầng 1 có phòng khách lớn, các phòng khách nhỏ, phòng ăn, phòng làm việc và phòng đợi; ngoài ra còn có phòng ăn, phòng chơi bi a, phòng hút thuốc. Tầng 2 có phòng họp Hội đồng Bắc Kỳ và các phòng nghỉ với đầy đủ tiện nghi. Nội thất các phòng được trang trí cầu kỳ, lộng lẫy theo kiểu cổ điển châu Âu nhưng đưa vào một số họa tiết kiểu Việt Nam.
Di tích Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ
Mặt chính công trình có cấu trúc đối xứng, được chia thành 3 phần. Khối trung tâm là cửa lớn hình cuốn vòm, có mái hiên hình cánh hoa bằng kính và kim loại. Phía trên là một khối mái lợp ngói đá đen, phần đỉnh được trang trí cầu kỳ, tạo sự đăng đối hoàn chỉnh. Mặt sau của tòa nhà có kiến trúc tương tự mặt chính nhưng các họa tiết trang trí đơn giản hơn. Nhìn chung, phong cách nghệ thuật kiến trúc của dinh Thống sứ Bắc Kỳ mang đậm tinh thần cổ điển Pháp đan xen với phong cách kiểu Phục hưng, Baroque và Art Nouveau.
Dinh Thống sứ Bắc Kỳ được xây dựng cùng thời với Văn phòng Phủ Thống sứ (nay là trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khách sạn Métropole (nay là khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội) cùng vườn hoa Chavassieux (nay là vườn Diên Hồng) tạo thành một quần thể có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa và cảnh quan, đồng thời là một di sản đô thị quý giá của Thủ đô Hà Nội.
Một điểm đến ý nghĩa
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, dinh Thống sứ Bắc Kỳ được đổi thành phủ Khâm sai Bắc Kỳ. Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở Hà Nội. Lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã chiếm giữ tòa nhà này. Sau Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã về làm việc tại đây. Tòa nhà lúc này được đổi tên thành Bắc Bộ phủ. Mở đầu ngày Toàn quốc kháng chiến, tại đây đã nổ ra một trận đánh ác liệt giữa một đại đội Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ phủ với quân Pháp. Năm 1954, chiến tranh Đông Dương kết thúc, Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ, hiện do Vụ Lễ tân (Bộ Ngoại giao) quản lý. Năm 2005, công trình được gắn biển Di tích lịch sử cách mạng.
Ngày nay, Nhà khách Chính phủ vẫn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô. Không chỉ là một di tích lịch sử - văn hóa, nơi đây còn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Nội. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết: “Từ năm 2020, ở những giai đoạn dịch Covid-19 được kiểm soát, Hanoitourist đã thiết kế chương trình tour Khám phá kiến trúc Đông Dương, giúp du khách tìm hiểu các di sản thời Pháp thuộc.
Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, khách sạn Sofitel Legend Metrople Hanoi, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử quốc gia... đều là những công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật gắn với bề dày lịch sử - văn hóa, giúp du khách hiểu sâu hơn về một Hà Nội nghìn năm văn hiến. Đặc biệt, tour này được thiết kế cho từng nhóm khách nhỏ, phù hợp với xu hướng du lịch khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trước mắt, chúng tôi phục vụ khách trong nước và sẽ phục vụ khách nước ngoài khi điều kiện cho phép”.
Hơn một thế kỷ qua, Bắc Bộ phủ - Nhà khách Chính phủ đóng vai trò như một “chứng nhân” chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của Hà Nội. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này gắn với du lịch là điều cần thiết, để nơi đây mãi là dấu ấn khó quên trong lòng người dân Thủ đô và du khách.
Theo Hà Nội mới
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |
Cận Tết, cả làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách...
Năm nay thời tiết khá thuận lợi, ít mưa có nắng hanh khô nên hầu hết các gốc bưởi Diễn của người dân Phú Diễn...
Các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 cần được tổ chức trang trọng, sáng tạo, độc đáo thu hút...
Ngày 8/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vinh dự được đề cử và nhận Giải thưởng “Điểm đến du...
Những ngày này, trong không khí Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di...
Vở diễn "Tấm Cám" chuẩn bị cho dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tới của sân khấu Lệ Ngọc sẽ không có nhân vật Bụt mà...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông...
Chiều 27/4 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Thông...
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 được tố chức từ ngày 29/4/2022 - 1/5/2022 tại khu vực tuyến phố đi bộ...
Sáng 16/4, tại Khu du lịch Ao Vua, UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2022 với...
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de vừa đăng bài viết nêu 6 điểm hấp dẫn khiến du khách phải...
Ngày 7/4, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế trong...