Các hộ dân tại Đá Bia đã cải tạo nhà cửa và tham gia mô hình Homestay với mong muốn đón tiếp thêm nhiều du khách trong và ngoài nước đến để trải nghiệm cuộc sống của người Mường tại đây.
Xóm Bia Đá đón khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhắc đến xóm Đá Bia, nhiều người sẽ chỉ biết đây là một xóm của dân tộc Mường Ạu Tá sinh sống ven sông Đà, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Cách trung tâm thành phố Hoà Bình khoảng 15km với nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, Đá Bia vẫn còn giữ được những nét văn hoá độc đáo, phù hợp với hình thức du lịch cộng đồng. Có lẽ bởi vậy, Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam đã chọn nơi đây để phát triển dự án “Du lịch cộng đồng" từ tháng 6/ 2014.
Để đến được xóm Đá Bia (thuộc huyện Đà Bắc, Hòa Bình), cách dễ nhất cho du khách là đi đường thuỷ trên lòng hồ Hòa Bình. Dọc hành trình từ cảng Thung Nai đến xóm Đá Bia hết 1.5 tiếng, du khách được chiêm ngưỡng nơi được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi" của Việt Nam. Một nơi có khung cảnh nên thơ vốn tưởng như cách biệt với thế giới bên ngoài nhưng tại đây, mọi thứ từ nếp sinh hoạt cho tới những căn nhà sàn còn nguyên sơ, chính điều đó thực sự hấp dẫn du khách.
Bước chân xuống thuyền đặt chân đến xóm Bia Đá, người dân trong xóm mặc quần áo người Mường ra tiếp đón du khách.
Tại Đá Bia khách du lịch sẽ được đánh thức bởi chiếc loa phát thanh vang khắp xóm vào sáng sớm. Bữa sáng ở Đá Bia, du khách được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng của người Mường như sườn rang mắm tôm, nhộng ong rừng rang với nước măng chua, thịt trâu xào tiêu rừng, thịt trâu nấu lá lồm, ốc vặn nấu lá lốt, canh cây chuối rừng, chả lá bưởi... Thậm chí nhiều du khách thích được cùng người bản địa làm những món ăn truyền thống để hiểu thêm về ẩm thực nơi đây.
Bữa ăn được chuẩn bị chu đáo tại Homestay Đinh Thu, xóm Đá Bia.
Người dân hướng dẫn khách du lịch làm món bánh ốc.
Thành quả bánh ốc chấm muối vừng.
Sau bữa sáng, du khách sẽ theo chân người dân trong xóm, những người vẫn tự gọi mình là “hướng dẫn viên nghiệp dư" để khám phá văn hoá của vùng đất hoang sơ này.
Những căn nhà gỗ độc đáo của người Mường hấp dẫn du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nếu như ở thành phố, mọi căn nhà đều có ổ khoá tiện nghi thì những ngôi nhà sàn Đá Bia không cần ổ khoá, không vách ngăn, mọi người đều có thể đi lại và thăm nhau dễ dàng. Bạn cũng không cần phải bật điều hoà bởi buổi tối ở đây vô cùng mát mẻ. Tất cả homestay tại Đá Bia đều nhìn ra hồ Hoà Bình khiến mỗi người đến đây trải nghiệm đều cảm thấy vô cùng dễ chịu.
Homestay bên hồ.
Homestay tại Đá Bia được dọn dẹp sạch sẽ để đón du khách.
Ở Đá Bia, du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy người dân mua bán bằng quầy hàng tự giác. Quầy hàng Tự Giác không có người bán đã duy trì hơn 60 năm và chưa từng xảy ra tình trạng mất tiền. Những người bán đều mang nông sản của nhà ra bày đính kèm giá tiền, ai muốn mua sẽ tự giác để tiền lại vào giỏ.
Quầy hàng tự giác đã duy trì 60 năm.
Những hoạt động thường nhật của người dân bản địa đều được những hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách cùng trải nghiệm. Bạn sẽ được đi qua rừng luồng thơ mộng của Đá Bia, qua những nương ngô, nóc nhà sàn nhuộm màu thời gian dưới tán những cây hồng, mít hay móc mật… Con trẻ tíu tít khi thấy người lạ, những cụ bà cười móm mém ló đầu qua ô cửa hiền khô.
Du khách trải nghiệm tại rừng Luồng.
Thú vị nhất có lẽ là khi đi hết rừng luồng, du khách sẽ xuống hồ để lên thuyền đi tham quan mô hình chăn nuôi cá lồng. Mô hình sinh kế kết hợp với du lịch không chỉ giúp phát triển kinh tế lâu dài cho người dân mà còn là địa điểm thăm quan thú vị với mỗi khách du lịch. Lồng cá tuy đặt ở giữa lòng hồ nhưng nhờ những bè trúc đan lại với nhau nổi trên mặt nước, du khách có thể đi lại xung quanh dễ dàng. Những chậu hoa xinh xắn được thiết kế, bố trí xung quanh để bất cứ ai khi đến cũng có thể chụp lại những bức ảnh đẹp nhất.
Anh Nguyễn Văn Ánh người dân ở Đá Bia, chia sẻ: “Ở đây nuôi cá thì từ một đến hai năm sẽ được thu hoạch tuỳ từng loại và theo mong muốn của người mua. Mỗi lồng cá nuôi khoảng một nghìn con. Bạn đầu rất khó khăn do không có đủ vốn rồi kĩ năng chưa nhiều nhưng khi được hỗ trợ vay tiền và tập huấn thì tôi cũng mạnh dạn thử và sau 6 năm nhìn lại tôi rất hài lòng.”
Chăn nuôi cá lồng - mô hình sinh kế của anh Nguyễn Văn Ánh dưới lòng hồ.
Lồng cá ở giữa hồ nhưng vẫn có thể đi lại xung quanh nhờ được làm các bè trúc nổi trên hồ.
Miền Tây Bắc của Tổ quốc là một vùng núi non hùng vĩ, xứ sở của hoa ban nở trắng rừng, miền đất dịu ngọt của những thiên tình sử, những áng sử thi huyền diệu, những trang phục sặc sỡ nhiều gam màu nóng và quê hương của những vũ điệu dân gian sôi động, say đắm lòng người. Và Hoà Bình, vốn là cửa ngõ của Tây Bắc cũng vậy. Nơi đây cũng có điệu múa truyền thống người Mường cuốn hút và chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai thưởng thức đều hào hứng, say sưa.
Người dân xóm Đá Bia trình diễn tiết mục văn hóa người Mường.
Đoàn Thảo Ngân, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền ghé thăm xóm Đá Bia, Đà Bắc hào hứng chia sẻ: “Tôi rất thích không gian ở đây, khi xuống thuyền và nhìn thấy những căn nhà gỗ sạch sẽ đã rất vui. Cơm ở đây cũng rất ngon và nhiều món độc đáo. Những người dân tộc Mường làm homestay nhưng vẫn giữ trọn văn hoá Mường chứ không chỉ là làm du lịch đại chúng. Điều ấn tượng nhất của mình là được tham gia làm món bánh ốc cùng người dân địa phương. Người dân ở đây thật thà, cởi mở và hiếu khách.”
Du khách chụp hình tại xóm Đá Bia, Đà Bắc.
Xóm Đá Bia, Đà Bắc - Hòa Bình vẫn là một ẩn số trong lòng những tín đồ mê cái đẹp, bởi nơi đây vẫn còn nhiều điều thú vị về thiên nhiên và con người chưa được khám phá hết. Đây thực sự là miền đất hứa dành cho những người mê khám phá đến trải nghiệm./.
Theo VOV.VN
Sáng 29/10, Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị kích cầu du lịch trong tình hình...
Đà Bắc được biết đến là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình, với địa hình chủ yếu là núi cao, chia...
Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc có 6 dân tộc anh em gồm: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao và Mông cùng chung...
Ngày hội Văn hóa, du lịch Hòa Bình tại Hà Nội nhằm giới thiệu những bản sắc văn hóa, quảng bá tiềm năng du...
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Hòa Bình dự kiến tiếp nhận từ 800 - 1.000 công dân vào các...
106 người thuộc 26 tỉnh, thành phố trên cả nước khi từ Hàn Quốc trở về đã được tập trung cách ly tại Trường...
Tối 9/12, tại Cung Văn hóa tỉnh Hòa Bình diễn ra Chung kết cuộc thi Người đẹp xứ Mường năm 2019. Đây là điểm...
Tối 6/12, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Lễ Khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch năm 2019 và chương trình Nghệ thuật đặc...
Nhằm quảng bá với bạn bè trong và ngoài nước về tiềm năng kinh tế, văn hóa và du lịch Hòa Bình, Tuần Văn hóa,...
Chiều 25/11 tại Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình giới thiệu Tuần văn hóa - du lịch Hòa Bình, diễn ra từ ngày 6 đến...
Ngày 18/11, UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức khai trương Cổng...
Đêm chung kết Cuộc thi "Người đẹp xứ Mường 2019" diễn ra vào ngày 9/12 tại Cung Văn hóa tỉnh Hòa...