Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp gặp gỡ những chiến sỹ của Đoàn 10 - “Đặc công Rừng Sác” anh hùng năm xưa. Những người lính anh hùng ngày nào giờ đã bước vào cái tuổi bảy, tám mươi nhưng khi kể về những trận chiến quyết tử với kẻ thù cách đây hàng chục năm, thì họ dường như trẻ lại.
Chiến khu Rừng Sác có vị trí mang tính chiến lược vì nằm sát biển, gần Sài Gòn - căn cứ đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, lại có địa hình hiểm yếu với rừng rậm bạt ngàn, sông rạch chằng chịt. Đây cũng là lợi thế cho bộ đội ta tổ chức việc giấu ém quân và đánh, tiêu diệt sinh lực địch. Bởi vậy, Mỹ từng tuyên bố "làm cỏ Rừng Sác" bằng “mưa bom bão đạn và chất độc hóa học".
Đặc công đoàn 10 - rừng Sác "xuất quỷ nhập thần" khiến kẻ thù khiếp sợ. (Mô hình tại Khu du lịch Căn cứ Rừng Sác, huyện Cần Giờ TPHCM)
Lật lại những trang ký ức, Thượng tá Trần Công Soạn - Nguyên phó Đoàn 10, Bộ đội Đặc công Rừng Sác chia sẻ, những năm 1964 đến năm 1970, Mỹ liên tục rải xuống Rừng Sác hơn 1 triệu gallons chất khai quang, trong đó, có hơn 4 triệu lít chất độc da cam, hơn 2 triệu tấn bom đạn. Những cánh rừng trở nên hoang tàn, cây cối chết đè lên nhau, bộ đội của ta phải chuyển quân ra bờ sông, trong đó, lục quân của ta hy sinh hết, chỉ còn đặc công thủy bám trụ lại tiếp tục chiến đấu.
Cho đến trước ngày 30/4/1975, Rừng Sác - Cần Giờ luôn là chiến trường ác liệt không bao giờ ngớt tiếng đạn bom. Trong suốt những năm tháng bám trụ chiến đấu, đã có 860 chiến sỹ đặc công Rừng Sác ngã xuống, trong đó hơn 500 hài cốt không thể tìm thấy.
Nhớ về những ngày tháng đầy khó khăn và gian khổ đó, ông Cao Hồng Ngọt, Đại Đội trưởng Đại đội 5, Đoàn 10 - Đặc công Rừng Sác, hiện đang sống tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ kể lại, bất chấp mưa bom bão đạn, rừng thiêng nước độc, cá sấu rình rập, những người lính đặc công Rừng Sác vẫn kiên trì bám trụ suốt 9 năm ròng. Chiến sỹ đặc công Đoàn 10 - Rừng Sác đã đánh hơn 1.000 trận lớn nhỏ, phá hủy hàng trăm tàu xuồng, loại khỏi vòng chiến đấu gần 1 vạn tên địch. Những trận Lôi Giang, Dần Xây, Vàm Sát, Đồng Tranh… làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhất là trận đánh thiêu rụi toàn bộ Tổng kho xăng Nhà Bè vào rạng sáng 3/12/1973 do ông Ngọt trực tiếp chỉ huy làm náo động cả TP Sài Gòn. Trong trận đánh lịch sử này, do bị 7 tàu của địch bao vây, có 2 đặc công của ta đã dùng lựu đạn "tự hi sinh" còn lại đều rút về căn cứ Rừng Sác an toàn.
Ông Cao Hồng Ngọt (thứ 2 bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa
Ông Cao Hồng Ngọt: "Theo phương án ngầm thì mình đổi 8 dũng sỹ phải đốt được kho xăng dầu Nhà Bè sau đó lúc 8h sáng 4/12/1973 có hai đồng chí đang lội qua sông Nhà Bè để thoát ra ngoài thì bị tàu địch vây bắt. Địch khai thác liên tục nhưng khai thác không được gì, 2 anh em đặc công ta đã anh dũng tự sát để giữ bí mật."
Viết tiếp trang sử hào hùng
Chiến tranh đi qua, sau ngày giải phóng rất nhiều chiến sỹ Đoàn 10 - Đặc công Rừng Sác tình nguyện ở lại Cần Giờ và chọn mảnh đất này làm quê hương thứ 2 của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Bé, quê Hải Dương, chiến sỹ đặc công Rừng Sác, hiện đang sống tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ kể lại, sau hòa bình, thống nhất đất nước, Cần Giờ là trung tâm của Rừng Sác, chỉ hơn 10 ngàn dân. Vì không đường bộ, không điện, không nước... nên việc di chuyển từ xã này qua xã kia chỉ có thể bằng ghe xuồng. Vậy nhưng, một Rừng Sác đau thương hôm qua, nay đã thay da đổi thịt. Thay cho thảm rừng nhuộm chất độc da cam, thì nay là những cánh rừng tươi xanh bạt ngàn với hoạt động du lịch của hệ sinh thái rừng ngập mặn và những con đường giao thông, điện lưới thẳng tít tắp.
Chứng kiến sự thay đổi của Rừng Sác, ông Nguyễn Ngọc Bé không khỏi xúc động, xen lẫn niềm tự hào: "Sau giải phóng đến nay là đã 45 năm, thật sự là cuộc cách mạng thay da đổi thịt đối với một địa phương nghèo khó nhất của TP. Thành tích đó đối với thế hệ chúng tôi hết sức là trân trọng và phải nói rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, chỉ có sức mạnh tổng hợp mới làm nên được cho Cần Giờ được như hôm nay."
Cần Giờ - Rừng Sác giờ đây là một màu xanh ngút ngàn, những vuông tôm, thửa ruộng muối trắng xóa lấp lánh dưới nắng. Người dân ở các xã: Long Hòa, Lý Nhơn, Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp... đã dần dần thoát khỏi đói nghèo, với 97% số hộ dân đã có điện, 100% tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở... Vui nhất bây giờ là đã có con đường về Cần Giờ, con đường đẹp nhất TPHCM.
Bà Phạm Thị Nhung, chiến sỹ Đoàn 10 - Đặc công Rừng Sác cho biết: "Không có gì bằng, phấn khởi cho địa phương mình. Hồi xưa đâu có con đường rừng Sác, đi thì sình lầy, đến nay sau 45 năm Cần Giờ đã có con đường rừng Sác với ba, bốn làn xe hai bên rừng đước rất mát mẻ. Rồi điện, đường, trường trạm đầy đủ, trong khi ngày xưa thì thiếu nước còn hôm nay điện nước đã về đến mọi nơi. Thật sự Cần Giờ hôm nay phát triển rất lớn mạnh."
Cần Giờ ngày nay đi tới đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng đước
Từ vùng đất chết, Rừng Sác - Cần Giờ nay đã trở thành “Khu Dự trữ sinh quyển thế giới” và là “lá phổi xanh” của TPHCM. Chiến khu năm xưa, nay đã được phát triển thành điểm đến du lịch lịch sử thu hút du khách trong và ngoài nước. 45 năm sau chiến tranh, Cần Giờ - Thủ phủ của Rừng Sác đang vươn mình trỗi dậy. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cần Giờ luôn ghi nhớ công lao to lớn bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đoàn 10 - Đặc công rừng Sác đã nằm lại vì Tổ quốc và góp phần công sức để nơi đây luôn mãi xanh tươi./.
Vinh Quang/VOV TPHCM
Tối 7/9, UBND TP.HCM tổ chức gala “Tinh hoa gạo Việt” để chào để chào đón các đoàn khách trong nước và quốc...
Sở Du lịch TP.HCM vừa tổ chức hội thảo “Tiềm năng du lịch kinh doanh tại TP.HCM và Việt Nam”. Hội thảo có hơn...
Sáng nay (8/9), TP.HCM khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2022 (ITE HCMC 2022). Tham dự lễ khai mạc có...
TP. Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế từ giữa tháng 3/2022 đến nay, các hoạt động du lịch kèm theo...
Vào ngày 23/7 tới đây, tại Quảng trường The Garden Mall (Quận 5), chương trình “Về Chợ Lớn xem múa Lân” do...
Tối 16/7, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ chào đón đoàn khách du lịch MICE (tức du lịch kết hợp hội...
Mùa hè này được kỳ vọng là thời điểm để ngành du lịch trong nước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Vì...
Tối 14/5, TP.HCM khai mạc Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 18 tại công viên Lê Văn Tám, Quận 1. Ngày hội năm...
Tối ngày 12/5, hàng ngàn người dân và Phật tử đã đổ về chùa Pháp Hoa (Quận 3, TP.HCM) để tham gia lễ hội thả...
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 18 sẽ diễn ra tại Công viên Lê Văn Tám (Quận 1)...
Tối ngày 28/4, tại khuôn viên tòa nhà Landmark 81 ở TP.HCM, lần đầu tiên một lễ hội dành riêng cho gia vị...
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 4 ngày nên các khu vui chơi, giải trí ở TP.HCM đang ráo riết lên các...