Cách trung tâm Sóc Trăng 60 km, chợ nổi Ngã Năm chắc hẳn đã không mấy xa lạ với những bạn yêu thích du lịch và đặc biệt là miền quê sông nước. Thế nhưng, giữa những khu chợ nổi Cái Răng, Cái Bè, Ngã Bảy,… thì với tôi, có lẽ mộc mạc nhất vẫn là chợ nổi Ngã Năm, nơi vẫn giữ được nét giản dị của một phiên chợ miền sông nước Nam Bộ.
Chợ nổi đông tấp nập nhất từ 3 giờ đến 4 giờ sáng nhưng tôi chọn đến chợ vào lúc 6 giờ khi mặt trời vừa lên và tôi có thể lưu lại những khoảnh khắc qua những tấm hình.
Bến tàu nằm ngay trung tâm giữa 5 nhánh sông khác nhau đi về Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp và đây cũng chính là bắt nguồn của cái tên chợ Ngã Năm.
Chiếc xuồng đưa tôi đến nhánh sông tập trung khá đông các ghe xuồng đang trao đổi hàng hóa. Nhịp sống vẫn nhộn nhịp, vẫn bình dị. Tôi cứ nghĩ tôi như một kẻ lạ mặt mang trên mình chiếc máy ảnh đang len lỏi vào cuộc sống của những con người nơi đây.
Với những người yêu thích chợ nổi, chắc hẳn ai cũng sẽ biết đến cây bẹo, thứ được người buôn bán sẽ treo hàng hóa mà họ bán trên ghe (thuyền) để khách thập phương được biết mà ghé mua. Thế nhưng nếu cây bẹo ở các chợ nổi khác được treo thẳng đứng thì cây bẹo ở chợ nổi Ngã Năm được treo ngang. Nó như một cách để người dân có thể “quảng cáo” được nhiều sản phẩm của mình hơn.
Chợ nổi Ngã Năm chủ yếu bán các mặt hàng nông sản, “mùa nào thì trái nấy”. Ngoài ra, bạn sẽ bắt gặp được những chiếc ghe bán đồ ăn sáng, đặc biệt là món bún nước lèo nổi danh của Sóc Trăng hay những ghe bán cơm tấm, hủ tiếu. Tìm mua một ít nông sản, ăn một vài món ăn sáng trên sông thì còn gì bằng khi ghé thăm nơi này.
Tôi cứ nghĩ như vậy là đủ thì cơn mưa rào đổ xuống khu chợ. Các cô các chú vội vàng che chắn hàng hoá, mặc áo mưa. Cô lái đò vội kéo máy, hướng dẫn bị khách là tôi che chắn người cho khỏi ướt chiếc máy ảnh.
Và giờ đây, tôi lại được ngắm nhìn một chợ nổi Ngã Năm trong mưa. Giữa cảnh ghe xuồng qua lại, mua bán vẫn tấp nập, giữa cơn mưa, tiếng cười nói vẫn rộn ràng nhánh sông. Đó có thể là tiếng cười của các cô chú bán hàng, tiếng cười của những cô cậu bé chơi đồ hàng trên ghe sau một hồi vội vã chạy mưa. Tiếng cười khiến tôi bất giác nhớ ra rằng, người miền tây là vậy! Họ lạc quan, luôn mỉm cười trước mọi việc. Có tiếng ai đó nói với: “mấy chuyện này nhỏ xíu à, hổng sao đâu bây!”
Một buổi sáng có nắng, có mưa lênh đênh trên chợ nổi quê mình mà lòng vui lâng lâng, đối với tôi chợ không hẳn là nơi để buôn bán mà là nơi gìn giữ những nét văn hóa miền tây cùng với những con người miền tây hồn hậu. Vậy nên chẳng cần đi đâu xa, hương vị quê nhà nơi ấy khiến tôi muốn quay về mãi.
Theo dulich.laodong.vn
Các hoạt động dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi dịch Covid-19 bùng phát và lây lan trên địa bàn...
Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực, khởi sắc. Sản phẩm dịch vụ du lịch...
Càng cận Tết, các nhà vườn càng khẩn trương chăm chút cho các loại hoa, chậu kiểng sao cho đẹp, bắt mắt để...
Từ lâu, bánh pía đã trở thành món bánh đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng và được nhiều người dân khắp cả nước yêu...
Vài năm gần đây, ở Sóc Trăng xuất hiện những món mắm "có một không hai" khiến thực khách ăn một lần là nhớ...
Triều cường dâng cao làm 15 đoạn đê, bờ bao, đường nông thôn bị vỡ và hơn 1.500 m bờ bao và tuyến lộ bị tràn,...
Chiều ngày 12/8, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Thanh tra Sở thông tin...
Chiều nay (6/8) Bác sĩ Trần Văn Khải, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, 140 người từ nước ngoài...
Tại tỉnh Sóc Trăng, tình trạng sạt lở bờ sông đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng với tần suất ngày càng...
Sáng nay (12/7), hàng trăm người hiếu kỳ đã đến chùa Bốn Mặt (Preah Buone Preah Phek) thuộc xã Phú Tân, huyện...
Từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, đã có không ít những hành động, câu chuyện nhân văn về sự sẻ chia với những...
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN vào chiều nay (3/3), Đại tá Nguyễn Xuân Cường, Chủ nhiệm Chính trị, Trường...