Thanh Hóa – trải nghiệm 1 ngày cuối năm 2018
Mình từ Hà Nội về thành phố Thanh Hóa chơi nhà bạn, và dành trọn một ngày để khám phá 2 điểm tham quan nổi tiếng của xứ Thanh là Thành nhà Hồ và Suối cá thần Cẩm Lương.
Hành trình của mình bắt đầu từ thành phố Thanh Hóa, đi về hướng bắc theo đường Quốc lộ 45 và sau đó là quốc lộ 217. Cùng một lộ trình, đến thành nhà Hồ là 47km, đến Suối cá thần Cẩm Lương là 87km. Đường khá dễ đi, chỉ một vài đoạn ngắn bị sóc còn lại đường đẹp.
Một đoạn đường ven dòng sông Mã yên bình uốn lượn
Hai bên đường có những đoạn người dân trồng mía bạt ngàn, xen kẽ có cỏ lau mọc nhô cao, có đoạn đường ven sông Mã cảnh cũng rất nên thơ. Vì không vội gì nên cứ thấy cảnh đẹp là bọn mình chọn chỗ đường vắng, thoáng rộng, đỗ gọn xe vào lề rồi xuống chụp ảnh.
Núi non, cỏ lau ven đường níu bước chân du khách
Thành nhà Hồ
Đến Thành nhà Hồ, trước tiên phải mua vé ở ngoài cổng có chắn barie, giá vé 40k/người, vào trong bãi đỗ xe thì xuất trình vé cho bảo vệ bên trong.
Ấn tượng đầu tiên là một chiếc cổng thành bằng đá, sừng sững uy nghi, dẫn vào một không gian rộng lớn được bao quanh tứ phía bởi tường thành cũng bằng đá trải dài. Đặc biệt, đá để xây thành ở đây đều là những khối đá tự nhiên khổng lồ, được cắt vuông thành sắc cạnh và ghép vào nhau rất vững chắc, kiên cố.
Cổng chính của Thành nhà Hồ
Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, trải qua hơn 600 năm và nhiều biến động của lịch sử, chiến tranh, đến nay, các cung điện, dinh thự trong khu vực thành đã bị phá huỷ, chỉ còn lại bức tường bao với 4 cổng ở 4 hướng, và di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn.
Đi bộ qua cổng Tiền (cổng chính ở phía Nam) có 3 vòm cổng cao rộng, vào bên trong sẽ có một cầu thang sắt ở bên tay phải để cho du khách leo lên nóc cổng. Lên đó ngắm cảnh khá đẹp, nhưng vì không có rào chắn hay lan can nên mọi người cần cẩn thận khi ra sát mép, đặc biệt với những người sợ độ cao.
Vòm cổng cao rộng được tạo thành hoàn toàn bởi những khối đá vô cùng ấn tượng
Đứng trên cổng thành có thể phóng tầm mắt nhìn khắp xung quanh. Đất trống trong thành được chia cho người dân địa phương trồng trọt, chủ yếu là ngô và mía. Cá nhân mình thấy nếu khu đất rộng 77 hécta bên trong thành mà được quy hoạch trồng hoa thì sẽ cực kỳ đẹp và thu hút du lịch hơn so với hiện tại.
Bức tường thành trải dài bao quanh Thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ đã được công nhận Di sản Thế giới UNESCO từ năm 2011, nhưng đáng tiếc vẫn chưa được khai thác du lịch một cách hiệu quả, nên mình thấy chưa thực sự là một điểm đến hút khách.
Cổng bên hông có cấu trúc nhỏ gọn hơn rất nhiều so với cổng chính
Ngắm cảnh, tham quan, chụp ảnh xong, nhóm mình lên xe nhưng không quay ngược ra theo đường vào, mà đi theo con đường chạy bên ngoài tường thành, để rẽ vào thành theo cửa bên hông (cửa Đông), rồi ra khỏi thành theo cửa hậu (tức cổng Bắc) và tiếp tục đi đến Suối cá thần Cẩm Lương.
Suối cá thần Cẩm Lương
Gần đến suối cá có thể thấy bắt đầu xuất hiện nhiều hàng quán của các hộ dân kinh doanh dọc đường vào. Nếu không đánh xe vào bãi theo bảng chỉ dẫn rẽ trái để tới bãi đỗ xe, thì có thể gửi ở mấy nhà sàn gần cổng vào, giá chỉ 20k/xe ô tô.
Điểm bán vé tham quan ở trước cổng vào 50m, vé có giá chỉ 20k/người. Bước qua cổng vào chỉ một đoạn ngắn là thấy ngay dòng suối có cá bơi lội tung tăng bên dưới, càng vào sâu trong, càng gần cửa hang mật độ cá càng dày đặc, và cứ thả đồ ăn xuống ở đâu là lập tức cá bâu vào đó đông kín luôn.
Cá tập trung rất đông mỗi khi có người cho ăn
Bọn mình mua vài túi bỏng ngô 5k/túi và rau lang hay rau muống cũng chỉ 5k/mớ to, tha hồ thả xuống cho cá ăn. Mỗi lần thức ăn vừa chạm mặt nước là cả chục con cá lại cùng nhao nhao vào đớp mồi, quẫy tung cả mặt nước. Cá lớn cá bé chen chúc đợi du khách cho ăn nhìn rất vui mắt.
Cá rất to và cực đông đúc
Bọn mình chưa từng được thấy đàn cá nào nhiều con to và đông đến vậy nên rất thích thú và hào hứng cho cá ăn. Nước suối nông, đàn cá đông, nhưng không hề bị hôi tanh, trái lại nước trong veo nhìn rất rõ từng con cá nhỏ nhất.
Nghỉ chân ngắm cá, bọn mình còn thưởng thức những món quà vặt dân dã như ngô nướng, cơm lam, bánh mật, giá đều chỉ 5k/thứ mà rất ngon: cơm lam thơm dẻo đựng trong ống nứa đầy đặn, ngô nếp nướng bắp to ngọt… Đặc biệt trong lúc ngồi thưởng thức đồ ăn, bọn mình còn được nghe bà bán hàng chia sẻ những thông tin và kể những câu chuyện ly kỳ liên quan đến suối cá thần.
Cảnh đẹp hữu tình trên dòng suối của đàn cá "thần" nổi tiếng
Suối cá thần được cho là rất linh thiêng nên tốt nhất đừng nên có ý định trêu chọc hay làm hại cá ở đây.
Hang Cây Đăng
Ăn ấm bụng xong tụi mình quyết định leo lên hang Cây Đăng ở ngay trên suối cá, cũng chính là hang nước ngầm mà cá chui vào trú ẩn khi trời tối. Cửa hang cách mặt đất khoảng 30-40 mét, cầu thang đá dẫn lên cũng khá dễ đi.
Ngay chân cầu thang hoặc ngay gần cửa hang đều có những nhóm thanh niên bản địa nhận làm hướng dẫn viên tham quan hang với thù lao 50k/chuyến. Bọn mình quyết định thuê một bạn để giúp trải nghiệm thăm hang của cả nhóm được hấp dẫn hơn.
Cửa vào hang
Đúng là nhờ có bạn hướng dẫn viên không chuyên này mà bọn mình được chỉ dẫn đường đi và những lưu ý cần thiết bên trong hang, biết được nhiều điều lý thú về hang, ví dụ như những hình thù đặc biệt mà trí tưởng tượng của con người gán cho những nhũ đá tự nhiên, hay những sự tích mà người dân địa phương lưu truyền về những khối đá đó.
Vô vàn những nhũ đá có tạo hình tự nhiên rất đẹp
Bọn mình đều có chung cảm nhận là hang động này rất đẹp, tuy không quá lớn nhưng rất bõ công khám phá. Có những khối nhũ đá tuyệt đẹp, không hề thua kém những hang động nổi tiếng khác ở nước mình, nhưng cũng đáng tiếc là chưa được khai thác hết tiềm năng du lịch. Có lẽ công tác quảng bá chưa tốt nên không phải ai đến Suối cá thần cũng lên thăm hang.
Ở mỗi cửa vào/ra đều có một ban thờ phật được đặt ngay trên những nhũ đá tự nhiên
Một điều đặc biệt nữa của hang Cây Đăng là vào một cửa và ra ở một cửa khác nhưng cũng có đường dẫn rất dễ đi xuống trở lại Suối cá. Bọn mình ra suối ngắm đàn cá một lần nữa rồi mới ra về.
Ẩm thực xứ Thanh
Trước và sau hành trình tham quan Thành nhà Hồ - Suối cá thần – Hang Cây Đăng, bọn mình đều thưởng thức những món ngon của xứ Thanh.
Buổi sáng trước khi lên đường, bọn mình chọn ăn bánh cuốn ở phố Tống Duy Tân. Bánh cuốn Thanh Hóa đặc trưng với nhân tôm nõn và thịt băm, phần vỏ bánh mịn mướt ăn cũng rất tuyệt. Chỉ có phần nước chấm pha nhạt nhạt là mình không ưng bằng ở Hà Nội.
Còn có món trứng hấp cùng bánh cuốn, thêm chút nhân tôm thịt, hành phi, đựng trong bát con, khi ăn dưới nước chấm vào rồi dùng thìa xúc từng miếng, siêu ngon!
Bánh cuốn Thanh Hóa nhân tôm thịt gây thương nhớ
Buổi chiều tối về đến thành phố thì tụi mình đi ăn ốc ở Bến Ngự. Đây là khu phố ăn vặt với rất nhiều hàng ốc có bán kèm các món quà vặt hấp dẫn khác. Có mấy quán nổi tiếng lâu năm rất đông khách.
Nhưng bọn mình lại chọn quán vắng nhất ở dãy phố, bởi quán này mới mở nên chưa có mấy khách, nhưng do bạn mình là người Thanh Hóa một lần tình cờ vào ăn thử (vì mấy quán kia đông quá hết chỗ) phát hiện ra là rất ngon và sạch sẽ, lại còn rộng rãi thoáng đãng vì nằm ở góc ngõ.
Quán ốc Mén số 12 Bến Ngự còn có món nem chua rán và xoài giòn cực ngon
Ốc Thanh Hóa tươi ngon, sạch sẽ, lại có món nước chấm rất đặc biệt, ngoài chén nước chấm ốc thông thường còn có thêm một thứ “gia vị” gọi là “chẻo”, màu vàng sệt sệt như mỡ gà, để pha thêm vào nước chấm, và rắc thêm hành mùi vào.
Nước chấm ốc đựng trong chén trà, trộn thêm "chẻo" và hành mùi băm nhỏ
Ăn ốc xong thấy vẫn chưa no, tụi mình quyết định đi sang phố Trương Thi, gần ngõ Nhà Thờ để ăn cháo lươn, miến lươn. Cháo lươn Thanh Hóa rất khác với cháo lươn Nghệ An và Hà Nội, cháo nấu bằng cơm nguội và nước dùng lươn. Cháo loãng như canh, có vị khá lạ, ăn với lươn xào mềm và đậu rán cắt mỏng, hành băm nhỏ.
Cháo lươn xứ Thanh có hương vị rất đặc biệt
Vậy là chỉ trong một ngày ở xứ Thanh, bọn mình đã đến được những điểm tham quan hàng đầu của tỉnh, ngắm nghía di tích lịch sử quý báu Thành nhà Hồ, tận hưởng điều kỳ diệu của tự nhiên ở Suối cá Thần và Hang Cây Đăng, đồng thời cũng không quên thưởng thức những món ẩm thực hấp dẫn ở nơi đây. Một trải nghiệm lý thú và đáng nhớ.
Hà Thu
Nhằm nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch, đảm bảo mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế...
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hoá) 2022 đang hứa hẹn sẽ là điểm...
Sáng 7/10, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp khôi...
Con số này đã giảm 22% so với dự kiến trước đó, do nhiều đoàn khách đã hủy tour, hủy phòng đã đặt tại một số...
Ngày 1/5, bãi biển Sầm Sơn tiếp tục thu hút hàng nghìn người dân và du khách. Chính quyền thành phố đã phải...
Với vị trí quan trọng ở vùng Bắc Trung Bộ, hội tụ đầy đủ tiềm năng du lịch mang đặc trưng của cả ba vùng:...
Tại tỉnh Thanh Hóa, trưa nay (6/8) nhà chức trách địa phương cho biết, sau khi xác nhận địa bàn có bệnh nhân...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá đã gửi 14 mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19 ra Viện Vệ sinh dịch...
Chiều ngày 5/7, trong lúc đi mò trai cùng với 5 người khác tại hồ Yên Mỹ (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), 1 học...
Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không thể...
Trước tình hình số người từ các tỉnh có dịch (những tỉnh có nguy cơ cao và nguy cơ) vào Thanh Hóa có xu hướng...
Theo tin từ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, đơn vị này vừa ký văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, đề...