Những khoảnh khắc đời thường quý giá
Một buổi hát ca trù ấm cúng của nghệ nhân Quách Thị Hồ tại nhà nhạc sỹ Văn Cao; một bữa tiệc tại nhà riêng nhạc sỹ Thụy Kha với sự góp mặt của các văn nghệ sỹ nổi tiếng như nhạc sỹ Hồng Đăng, diễn viên điện ảnh Phương Thanh - người đóng vai Hiền Cá Sấu trong phim “Tội lỗi cuối cùng”, nhà phê bình Ngô Thảo, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, vợ chồng nhạc sỹ Văn Cao, nhà thơ Thu Bồn và nhạc sỹ Nghiêm Bá Hồng; một cuộc “nhậu” của nhạc sỹ - nhà thơ Đặng Đình Hưng, nhà thơ Trần Dần, họa sỹ Dương Bích Liên, họa sỹ Nguyễn Sáng; buổi khai mạc triển lãm ảnh của họa sỹ Nguyễn Sáng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1984 - sự kiện đáng chú ý của mỹ thuật Việt Nam khi đó, bởi đây là lần đầu tiên một họa sỹ được triển lãm cá nhân… Đó là những khoảnh khắc đáng quý, đáng nhớ nhưng cũng rất đời thường được nghệ sỹ nhiếp ảnh Hà Tường chụp và lưu giữ.
Không chỉ lưu giữ những khoảnh khắc đời thường, ống kính của nhiếp ảnh gia Hà Tường còn ghi lại chân dung của hầu hết những gương mặt văn nghệ sỹ tiêu biểu của Việt Nam, từ văn chương, thi ca, báo chí, dịch thuật, hội họa, sân khấu, điện ảnh đến cả các học giả, nhà khoa học, triết học, lịch sử, dân tộc học…
Nhiếp ảnh gia Hà Tường. Ảnh: P.L
Có thể kể đến những bức ảnh về bộ tứ bậc thầy của hội họa Việt Nam "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái" (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái); các nhạc sỹ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đỗ Nhuận; nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan; nhà văn Kim Lân, Nguyễn Tuân; nhà sử học - nhà nghiên cứu văn hóa Đào Duy Anh, họa sỹ Trần Văn Cẩn, Phan Kế An, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, nhà sử học Trần Quốc Vượng, nhà dân tộc học Từ Chi…
Hầu hết những bức ảnh ông chụp các văn nghệ sỹ đều là ảnh đen trắng, được ông bấm máy trong những thời điểm ngẫu hứng, khi bên bàn trà, khi trong bữa rượu, đôi khi ông lại “chộp” được những giây phút thư giãn hiếm hoi của họ như bức ảnh nhà viết kịch Tào Mạt nằm bên cạnh quyển tạp chí Thế giới mới, nhà văn Nguyễn Tuân ngồi hút tẩu với vài sợi khói mong manh bay lên... Dù chụp ai, lúc nào, ở đâu, những bức ảnh của ông đều “bắt” được đúng “hồn” nhân vật, tạo được bức chân dung thể hiện sâu sắc cá tính của từng người.
Những bức ảnh quý giá về các văn nghệ sỹ nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Hà Tường sẽ ra mắt công chúng Thủ đô ngày 22/2/2020 trong lễ khai mạc triển lãm, ra mắt sách ảnh “Những người muôn năm cũ”. Triển lãm giới thiệu với công chúng 30 tác phẩm ảnh, được lựa chọn từ 150 bức ảnh in trong cuốn sách.
Họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ, anh và tác giả Hà Tường vẫn thường gặp gỡ, uống cà phê cùng nhau. Một lần nhiếp ảnh gia Hà Tường mời họa sỹ Lê Thiết Cương về nhà, cho anh xem mấy chục kg phim anh đã chụp và cất trong một túi nilon. Đó toàn là những bức ảnh quý về những văn nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam. Họa sỹ Lê Thiết Cương thấy rằng nếu không làm gì lưu giữ lại những bức ảnh đó thì quá đáng tiếc, nên nảy ra ý định làm sách ảnh để lưu giữ lại được phần nào. Ý tưởng là vậy, nhưng do chuẩn bị kinh phí, chọn ảnh, nên phải sau 5 năm dự án mới hoàn thành. 150 bức ảnh trong cuốn sách "Những người muôn năm cũ" ra mắt lần này đều là các gương mặt tiêu biểu nhất của văn nghệ Việt Nam một thời, đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong số phim khổng lồ ấy đã được chọn ra...
“Sử gia” của giới văn nghệ sỹ
Từ trái qua phải: Nhạc sĩ Hồng Đăng, diễn viên điện ảnh Phương Thanh (đóng vai Hiền Cá Sấu trong phim Tội lỗi cuối cùng), nhà phê bình Ngô Thảo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (đứng sau), vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Thu Bồn và nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng. Ảnh chụp năm 1983 tại nhà riêng nhạc sĩ Thụy Kha (Hà Nội). Ảnh: Hà Tường
Nhiếp ảnh gia Hà Tường sinh năm 1942, ông bắt đầu chụp ảnh từ năm 18 tuổi. Là người quảng giao, ông quen biết và thân thiết với rất nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng, thường xuyên chụp ảnh tặng các văn nghệ sỹ.
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến những người mà mình đã chụp ảnh, nhiếp ảnh gia Hà Tường vẫn nhớ rất rõ. “Trong số văn nghệ sỹ mà tôi đã chụp, tôi thích nhất ông Nguyễn Sáng, người rất có cá tính. Ai không thích là ông để tay ở sau lưng, rồi tìm cách mời họ ra cửa... Trong khi đó, Bùi Xuân Phái là người hòa nhã, ai ông cũng tiếp và ký họa được. Nguyễn Tuân thì không dễ tiếp xúc, không phải ai đến gặp ông cũng tiếp…”, nhiếp ảnh gia Hà Tường nhớ lại.
Nhiếp ảnh gia Hà Tường kể, ông là “khách quen” của nhạc sỹ Văn Cao. Mỗi lần nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ra Hà Nội, nhạc sỹ Văn Cao lại viết giấy hẹn “5 giờ, mời anh đến nhà tôi”. Thế là ông lại đến nhà nhạc sỹ Văn Cao gặp gỡ, chụp ảnh các nghệ sỹ, trong số đó, có nhiều người đến nay ông không còn nhớ tên…
Có thể nói, bộ tư liệu ảnh quý giá của nhiếp ảnh gia Hà Tường đã giúp cho các thế hệ hôm nay biết thêm nhiều điều về đời sống văn nghệ xưa. Nhìn bộ tư liệu ảnh quý giá về các văn nghệ sỹ nổi tiếng của Hà Tường, nhiều người không khỏi cảm phục tấm lòng cũng như cái “tình” của ông với nhiếp ảnh, với văn nghệ sỹ. Nhưng ít ai biết được, để có những bức ảnh quý giá ấy, công sức cũng như “cái giá” mà ông phải trả không nhỏ chút nào.
Nhiếp ảnh gia Hà Tường kể, để có được những tác phẩm ảnh ưng ý, ông đã phải chụp rất nhiều. Mỗi nhân vật ông thường chụp 3 - 4 cuộn phim. Cũng có những người ông phải chụp nhiều lần. Ông từng vào Thanh Hóa chụp đi chụp lại chân dung nhà thơ Hữu Loan, vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để chụp họa sỹ Nguyễn Sáng mặc dù đã chụp Nguyễn Sáng rất nhiều khi họa sỹ ra Hà Nội. Còn với những người bạn thân như nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh, họa sỹ Bùi Xuân Phái, họa sỹ Lưu Công Nhân… ông đều chụp hàng chục cuộn phim.
Số phim mà nhiếp ảnh gia Hà Tường đã chụp hiện vẫn được ông lưu giữ và bảo quản tại nhà riêng, số lượng lên tới hơn 10 kg. Ngày xưa vàng có 200.000 đồng/chỉ, mua một cuộn phim đã mất 30.000 đồng. Mỗi lần đi chụp ảnh có khi hết 2 - 3 cuộn là bình thường. Bạn bè ông đã có người ước lượng, số tiền mà ông dành để mua phim chụp ảnh cho văn nghệ sỹ Hà Nội có thể tương đương với số tiền mua hai căn nhà tại khu phố cổ Hà Nội. Thế nên, khi nhắc đến Hà Tường, nhiều thế hệ nghệ sỹ sau này như Trần Hùng, nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan, họa sỹ Lê Thiết Cương... đều có chung nhận xét: “Dân chơi, kẻ sĩ và nhà nhiếp ảnh thứ thiệt của Hà Nội”.
“Hà Tường có một tình yêu đặc biệt với nhiếp ảnh. Anh coi ống kính máy ảnh của mình là một cây bút để ghi chép trung thực những gương mặt, những chân dung văn nghệ sỹ tiêu biểu của một thời. Nếu coi nhiếp ảnh là lịch sử bằng hình ảnh, thì anh Hà Tường chính là người ghi lại lịch sử văn nghệ sỹ Việt Nam một thời”, họa sỹ Lê Thiết Cương đánh giá.
Phương Lan/ TTXVN
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...