Khởi công từ năm 2016, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) do Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư đang được triển khai rầm rộ.
Dự án có tổng diện tích quy hoạch hơn 56ha, tổng mức đầu tư khoảng 889 tỷ đồng với ba hạng mục chùa, đền Hộ Quốc (đền thờ Lý Thường Kiệt), đại tượng Phật nằm ở ba phía của cột cờ Lũng Cú, tạo thành thế chân vạc bao quanh.
Năm 2018, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang, trong đó yêu cầu phải bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh 2 hồ nước tại di tích.
Bộ cũng yêu cầu dự án phải được thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích Cột cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu và khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn.
Bộ VH-TT-DL yêu cầu phải tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên.
Núi đá vôi bị xẻ tan hoang để xây chùa ở phía đông bắc cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Tuổi trẻ
Ngoài ra Bộ cũng lưu ý dự án cần phải xin ý kiến của một số bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ NN-PT-NT, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam... và của nhân dân địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai dự án.
Trao đổi với báo giới, ông Vương Duy Bảo, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) cho biết, năm ngoái khi lên đây ông đã chứng kiến đơn vị thi công phá núi xây dựng các công trình.
Nhìn vào những động thái của các nhà quản lý, ông Bảo băn khoăn: Tại sao dự án triển khai thi công từ năm 2016 mà hai năm sau Bộ VH-TT-DL mới cho ý kiến? Không biết UBND tỉnh Hà Giang đã tiếp thu chỉ đạo của Bộ đến đâu khi dự án vẫn đang triển khai rầm rộ?
Từ những diễn biến này, ông Bảo đặt thêm câu hỏi, Hà Giang đã đánh giá tác động môi trường, điều tra xã hội học, xin ý kiến các bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khi dự án nằm trên khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng như lưu ý của Bộ VH-TT- DL hay chưa? Họ đã có những ý kiến như thế nào, Hà Giang đã tiếp thu đầy đủ hay chưa?
Với quan điểm của người làm trong lĩnh vực văn hóa, ông Bảo trăn trở, có nên xây dựng dự án du lịch văn hóa tâm linh quanh di tích Cột cờ Lũng Cú hay không?
Trước hết, dự án này thuộc quần thể Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Nếu chủ đầu tư phá núi làm dự án, thay đổi cảnh quan, địa hình, địa mạo nơi đây, có gây ảnh hưởng tới di sản này hay không? Nên nhớ rằng, UNESCO đã có ý kiến về công trình nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng cao 7 tầng, quy mô nhỏ hơn nhiều.
Một điểm khác, nơi xây dựng đền Hộ Quốc vốn là ruộng canh tác của đồng bào dân tộc Lô Lô, chính tại cánh đồng này các nhà khảo cổ đã tìm được trống đồng. Dự án lấy đất canh tác của người dân, vậy bài toán sinh kế của người dân được giải quyết như thế nào? Mặc dù người dân nơi đây có thể được chút tiền đền bù nhưng khi tiêu hết rồi, kế sinh nhai bền vững của họ và con cháu của họ là gì?
"Du lịch có thời có vụ, không phải trong 365 ngày khách đều kéo lên ùn ùn. Khi dự án này hoàn thành sẽ đẻ ra hệ thống dịch vụ, chủ đầu tư quản lý, còn một số ít người dân có chăng làm công ăn lương ở đây. Khách du lịch lên tham quan đền, chùa có thể đóng góp vào hòm công đức, nhưng kể cả có như vậy thì người dân cũng không phải là người thụ hưởng", ông Vương Duy Bảo chỉ rõ.
Ông cũng đặt câu hỏi về hạng mục đền, chùa đang được xây dựng.
"Tôi không hiểu tại sao có chuyên gia sử học lại tham mưu ủng hộ việc xây đền Hộ Quốc ở đây? Người dân đã sinh sống và bảo vệ mảnh đất này cả ngàn năm. Hơn nữa, chúng ta đã có di tích cột cờ Lũng Cú là biểu tượng xác định chủ quyền quốc gia bất di bất dịch", vị chuyên gia đặt câu hỏi.
Ủng hộ quan điểm phát triển du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng vị nguyên lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở không đồng tình với cách làm nói trên của Hà Giang bởi như vậy là không bền vững, tàn phá cảnh quan, môi trường.
"Quan trọng là việc xây dựng ấy có hỗ trợ cho đời sống của người dân không, hay nó chỉ tập trung ở một vài điểm cá biệt mà thôi, mà cụ thể ở đây chính là phục vụ cho một số cá nhân, doanh nghiệp?", ông Vương Duy Bảo nhận xét.
Từ những phân tích trên, một lần nữa, vị chuyên gia nhấn mạnh cần nhìn lại kỹ lưỡng tác động nhiều mặt của dự án đối với môi trường, với việc bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng và sinh kế của người dân bản địa.
Cũng cho ý kiến về dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, một chuyên gia du lịch (đề nghị giấu tên) nhận định, ở Việt Nam đang loạn du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và cho biết công ty du lịch của ông sẽ không bao giờ đưa khách đến những nơi này.
"Với khách du lịch thực sự thì tâm linh ra tâm linh, văn hóa ra văn hóa, sinh thái ra sinh thái, không phải thứ hổ lốn, khoe của, buôn thần bán thánh", vị chuyên gia du lịch nói thẳng.
Thành Luân/ baodatviet.vn
Sau 2 năm gián đoạn do dịch COVID-19, Lễ hội Chợ tình Phong lưu Khâu Vai năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 25/4...
Sau 2 năm gián đoạn do dịch COVID-19, Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2022 sẽ được tổ chức từ ngày 25/4 đến...
Nhiều du khách đã trực tiếp hoặc thông qua các công ty du lịch để đăng ký với các cơ sở dịch vụ, điểm du...
Mặc cho giá rét kèm theo những cơn mưa phùn của Cao nguyên đá Đồng Văn, những ngày nghỉ lễ, hàng ngàn khách...
Trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, để giữ vững vị trí là điểm đến du lịch hấp dẫn trong bối cảnh...
Lễ hội Hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang đã trở thành một trong những sự kiện du lịch thu hút đông đảo du khách...
Bắt đầu từ ngày 23/11, Hà Giang mở cửa đón khách du lịch đến tất cả các khu, điểm du lịch, làng du lịch trên...
Tháng 11 vẫn được nhiều người biết với mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang. Dịch Covid 19 lại đang có những tác...
Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả...
Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát...
Thống kê 9 tháng năm 2021, khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 678.268 lượt người với tổng thu từ khách du...
Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 trước đó 6 tháng đến Hà Giang phải tự theo dõi sức...