Chỉ cần gõ chữ “Đảo Kê Gà”, chưa đầy 1 giây sẽ cho ra hơn 3,5 triệu kết quả. Điều đó cho thấy sức hút của hòn đảo nhỏ rộng chừng 3ha lớn đến thế nào…
Cách bờ vỏn vẹn chưa đầy 500m, việc di chuyển ra đảo tương đối dễ dàng. Trước đây, người ta thường đến đảo Kê Gà bằng thuyền thúng hoặc thuyền đánh cá của ngư dân. Sau này, khi du lịch phát triển hơn, người dân đã trang bị ca nô để đưa đón khách qua đảo. Chỉ vài phút là có thể đặt chân lên đảo.
Mũi Kê Gà thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được xem là hòn đảo đẹp nhất ở Phan Thiết nhờ hình dạng và vị trí địa lý độc đáo.
Ngồi ca nô trên biển quá quen thuộc rồi, cá nhân tôi muốn thử cảm giác ngồi thuyền thúng của ngư dân lênh đênh trên biển rồi cập đảo, nhưng do đi cùng đoàn nên đành lỡ…, hẹn gặp thuyền thúng lần sau. Nhưng bù lại, tôi lại có một trải nghiệm tuyệt vời…
Du khách đi ca nô ra đảo.
Nhưng khoan, đó là chuyện ở phần sau. Bởi tới đảo, thì phải thăm đảo đã. Đảo Kê Gà không có người ở, chỉ có thiên nhiên ngự trị. Chủ nhân duy nhất của đảo có lẽ là… ngọn hải đăng Kê Gà cao nhất và cổ xưa nhất Đông Nam Á, hơn trăm năm qua vẫn cần mẫn soi đường cho tàu bè qua lại.
Hải đăng Kê Gà cổ kính, hùng vĩ giữa thiên nhiên khoáng đạt là thế, nhưng có một điều đáng tiếc là du khách đến đây giờ chỉ có thể chiêm ngưỡng hải đăng từ bên ngoài mà không được vào trong khám phá tháp đèn, do 183 bậc thang thép xoáy trôn ốc bên trong hải đăng đã han gỉ có thể gây nguy hiểm cho du khách.
Do nhiều tàu thuyền qua lại nơi đây hay bị đắm do không xác định được phương hướng, nên người Pháp đã cho xây dựng hải đăng Kê Gà, đưa vào sử dụng năm 1900, bán kính quét sáng lên tới 22 hải lý (~40km).
Trong tiếng gió thổi phần phật, đứng từ chân hải đăng phóng tầm mắt ra bao la biển trời xung quanh đã cảm thấy choáng ngợp và phấn khích lắm rồi. Nếu mà được lên trên ngọn hải đăng, người sợ độ cao như tôi, có khi lại sợ ấy chứ.
Ngắm đá, ngắm biển, ngắm thuyền… và ngắm cả người đi cắm trại. Nhiều gia đình đã chọn góc bãi đá phía dưới ngọn hải đăng để được thảnh thơi tận hưởng vẻ đẹp của ngọn đèn biển trong cả chiều tà và dưới ánh bình minh.
Đá Kê Gà màu sắc và hình thù cổ kính, mang dấu ấn của hàng nghìn năm đã trôi qua.
Trên đường từ hải đăng đi xuống, đoàn chúng tôi bắt gặp nhiều nhóm gia đình và bạn bè khệ nệ mang lều trại, những túi đựng thực phẩm để chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến cắm trại qua đêm trên đảo. Mới tưởng tượng cảnh cùng người thân, bè bạn nhóm lửa bên chiếc lều trại, dưới ánh trăng vằng vặc ngày rằm, cùng nhau đàn ca, râm ran chuyện trò, nhâm nhi những món hải sản nóng hôi hổi đã đủ thấy lòng rộn ràng biết bao…
Từ vài năm trở lại đây, Kê Gà là một điểm cắm trại lý tưởng dành cho các du khách ưa thích trải nghiệm thiên nhiên.
Tôi thì phải trở về. Và đây chính là lúc thiên nhiên vén màn bí ẩn. Khi mặt trời lặn xuống, hất lên bầu trời những ánh hoàng hôn cuối cùng, cũng là lúc thủy triều rút sâu, kéo biển ra xa, làm lộ ra cả một con đường ngay trên mặt biển mà trước đó phải ngồi ca nô chúng tôi mới có thể vượt qua.
Lần đầu tiên tận mắt chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ của tự nhiên khiến tôi rất háo hức, chỉ muốn lao ra và chạy nhanh sang bờ bên kia. Tuy nhiên tôi cũng lại sợ nhỡ đang đi nước sẽ dâng trở lại thì biết làm sao vào bờ.
Sững sờ trước cảnh tượng như trong truyền thuyết, khi biển rẽ sóng mở đường.
Thêm vào đó, hôm đấy trời mây vần vũ, gió thổi lồng lộng khiến cho sóng ở những chỗ ngập ngang bắp chân cũng đủ làm khó bước người đi. Sợ bị dạt ra chỗ biển sâu, tôi phải nắm chặt tay các bạn trong đoàn, sợ mà vẫn phấn khích, để rồi khi về bờ rồi lại muốn… quay lại đi thêm lần nữa./.
Theo VOV.VN
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với thắng cảnh Hòn Cau ở xã...
Cách thành phố Phan Thiết khoảng 40km về hướng Bắc, làng chài Hồng Chính, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh...
Sáng 4/4, thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du...
Nhằm từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế đến Bình Thuận, khôi phục lại các hoạt động của...
Dịp Tết Nhâm Dần 2022 tỉnh Bình Thuận đón khoảng 75.000 lượt khách tham quan lưu trú.
Theo quy định đã điều chỉnh của Bình Thuận, khách du lịch từ vùng cam hay vùng đỏ chỉ cần cung cấp kết quả...
Từ cuối tháng 10/2021, đến nay gần 80 cơ sở kinh doanh lưu trú tại Bình Thuận đã được phép đón khách trở lại....
Sau hơn một tháng mở cửa đón khách trở lại, ngành du lịch Bình Thuận tiếp tục triển khai những giải pháp tích...
Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng và lan...
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, thêm 9 cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố...
Sáng 24/10, tại Mũi Né, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức Chương trình chào đón du khách đến nghỉ dưỡng...
Chiều 20/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản về việc triển khai các hoạt động du lịch trong...