Sức sống trường tồn của kịch Lưu Quang Vũ - một tượng đài chưa thể thay thế |
Cả rạp gần như không còn một chỗ trống, những gương mặt háo hức, những ánh mắt say mê… chắc hẳn ít người có thể hình dung ra những hình ảnh đó ở các sân khấu kịch hiện nay. Thế nhưng, đó chính là những gì vừa diễn ra trên sâu khấu kịch của Nhà hát Tuổi trẻ nhân “Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ” bắt đầu từ ngày 10/8 vừa qua.
Nhà hát Tuổi trẻ chật kín khán giả thưởng thức kịch Lưu Quang Vũ
Lần lượt các vở kịch đặc sắc gắn liền với tên tuổi Lưu Quang Vũ được trình diễn như: “Ai là thủ phạm”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” và “Tin ở hoa hồng”… với sự tham gia diễn xuất của các gương mặt quen thuộc như NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Khuê, Vân Dung, Thu Quỳnh, Chí Huy, Thanh Sơn, Bá Anh…
Một phân cảnh trong vở kịch "Tin ở hoa hồng", vở kịch mở màn cho "Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ" tại Nhà hát Tuổi trẻ
Nghệ sĩ Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bày tỏ tin tưởng rằng, các đêm diễn chật kín khán giả cho thấy sức sống trường tồn của kịch Lưu Quang Vũ, đồng thời đánh thức xúc cảm của người xem để cùng nhớ về một tượng đài của nền kịch nghệ Việt Nam.
“Sự ra đi của Lưu Quang Vũ thực sự đã để lại một khoảng trống lớn không chỉ cho Nhà hát tuổi trẻ mà còn trong lòng giới mộ điệu, những người yêu sân khấu kịch. Như một lẽ tự nhiên, cứ đến tháng 8, tất cả mọi người đều nghĩ đến việc tưởng niệm ngày mất của anh. Thay vì thắp hương, cúng giỗ như thường thấy… chúng tôi lại bày ra, dựng kịch và công diễn những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của anh.
Đến tận bây giờ, rất nhiều người cũng thở than đặt câu hỏi: Đến bao giờ mới xuất hiện một Lưu Quang Vũ thứ hai? Bởi giá trị mà anh mang lại quá lớn. Hơn 30 năm sau ngày anh mất, những tác phẩm của anh vẫn được giới mộ điệu yêu thích… Đó là bởi triết lý nhân sinh quan sâu sắc trong con người anh” – nghệ sĩ Sĩ Tiến cho biết.
Nghệ sĩ Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ
Cho đến nay, Nhà hát tuổi trẻ đã dàn dựng khoảng 15 vở kịch của Lưu Quang Vũ. Trong suốt chừng ấy năm, nhiều lớp diễn viên đã hóa thân vào những vai diễn trong các vở kịch Lưu Quang Vũ. Các nghệ sĩ đã cố gắng dàn dựng để làm sao vẫn mang hồn cốt Lưu Quang Vũ về mạch kịch chính đồng thời làm mới lại, gần gũi hơn với hơi thở cuộc sống hiện đại.
“Mạch kịch đưa khán giả đi từ vùng này đến vùng khác, chạm vào miền cảm xúc này đến miền cảm xúc khác… liên tục thay đổi, nhưng tựu chung lại vẫn là triết lý sống cao cả: tình người, mối quan hệ giữa người với người. Phải chăng đó chính là lý do khiến tác phẩm tồn tại lâu dài đến vậy” – nghệ sĩ Sĩ Tiến xúc động chia sẻ.
Diễn viên Chí Huy, người đóng vai chính trong vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, vở kịch giả tưởng duy nhất của nghệ sĩ Lưu Quang Vũ cho biết, không chỉ mang tính thời đại, kịch của Lưu Quang Vũ còn mang thông điệp nhân văn sâu sắc.
Một phân cảnh trong vở kịch "Hoa cúc xanh trên đầm lầy". Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ
“Ngay khi nhận kịch bản, tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng không hiểu vì sao vào những năm thập niên 80 của thế kỉ trước mà ông có thể viết được những kịch bản cho đến giờ vẫn có tính thời đại. Một trong những chất liệu mà ông sử dụng chính là trí tuệ nhân tạo: người máy, điều mà cho đến giờ người ta vẫn nhắc đến.
Bên cạnh đó, kịch của ông khiến người xem cảm thấy nhẹ nhàng, tràn đầy niềm tin. Ai cũng có ước mơ. Tuy nhiên, cuộc sống với bộn bề lo toan khiến con người ta đôi khi quên đi ước mơ của chính mình. Làm thế nào giữ được ước mơ, lý tưởng của mình. Đó là điều nhân bản mà Lưu Quang Vũ luôn muốn gửi gắm đến khán giả của mình, nhất là khán giả trẻ” – diễn viên Chí Huy chia sẻ.
Sức hút mạnh mẽ của kịch Lưu Quang Vũ đối với thế hệ trẻ |
Nghệ sĩ Sĩ Tiến, phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, nếu cách đây 10 năm, khán giả đến rạp phần lớn là những người thuộc thế hệ 5X, 6X… thì nay, sân khấu kịch đã trở mình, thu hút lượng lớn khán giả trẻ.
Anh Lê Quang Mạnh chụp hình cùng bạn gái tại buổi công diễn vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy"
Có mặt tại Nhà hát Tuổi trẻ để xem “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, vở kịch thứ hai trong “Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ”, anh Lê Quang Mạnh - một khán giả trẻ thủ đô chia sẻ, anh yêu thơ và kịch Lưu Quang Vũ. Anh đã xem và rất ấn tượng với vở kịch “Tin ở hoa hồng”, vở kịch mở màn cho sự kiện tưởng nhớ người nghệ sĩ tài danh.
“Tôi rất yêu thơ của Lưu Quang Vũ. Trước khi tìm đến rạp xem kịch Lưu Quang Vũ thì tôi đã đọc và rất yêu những vần thơ của ông. Tôi thực sự ấn tượng với các vở kịch của Lưu Quang Vũ, bởi những gì ông viết ra, đề cập đến cách đây hơn 30 năm nhưng vẫn có tính thời đại mà khi xem xong, chúng ta vẫn nhìn thấy mình trong đó” – khán giả trẻ Lê Quang Mạnh cho biết.
Chị Đào Thị Hảo, một khán giả trẻ khác cũng đến từ Hà Nội cho biết, kịch Lưu Quang Vũ luôn ẩn chứa thông điệp nhân văn và hướng con người đến những điều tốt đẹp trên đời, đúng như những gì ông viết trong thơ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại ra hoa/ Sao rãnh nước lại trong veo đến thế…”
“Trước đây, tôi vốn là một người rất thực tế. Tôi cho rằng cuộc sống ngày càng xô bồ và trở nên thương mại hóa nhiều, khiến những giá trị tinh thần mai một đi. Nhưng sau khi xem kịch Lưu Quang Vũ, tôi mới nghiệm ra rằng, cuộc sống vẫn còn những sắc tươi hồng, và ẩn sâu trong mỗi con người đều có những điểm tốt đẹp mà chỉ là mình không nhận ra mà thôi. Và kịch của Lưu Quang Vũ giúp người ta nhận ra chân giá trị đó” – chị Hảo chia sẻ.
Chị Đào Thị Hảo, khán giả Hà Nội
Chị Hảo cho biết, chị đã xem liên tiếp hai vở kịch của ông trong vòng 2 tuần công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ, đó là vở “Tin ở hoa hồng” và “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”.
Cũng là một khán giả thủ đô yêu thích nghệ thuật kịch, Anh Trần Quốc Hoàn cho biết, cứ tháng 8 hàng năm, anh đều đến rạp để xem những vở kịch của Lưu Quang Vũ. “Kịch của Lưu Quang Vũ rất nhân văn và có tính thời đại. Có những vở kịch ông viết hàng chục năm rồi mà đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Đó là lý do khiến tôi hàng năm đều đến rạp và xem đi xem lại những vở kịch của ông” – anh Hoàn cho hay.
Sân khấu kịch "trở mình" với việc thu hút lượng lớn khán giả trẻ đến rạp
“Mùa diễn kịch Lưu Quang Vũ” - một không gian nghệ thuật mang đến nhiều cảm xúc đẹp, có cả nước mắt, tiếng cười và những thổn thức, đồng vọng… một lần nữa tôn vinh tài năng của cố nghệ sĩ Lưu Quang Vũ và khẳng định những giá trị nghệ thuật đích thực sẽ vẫn tiếp tục tỏa sáng trường tồn.
Anh Vũ/ Vietnam Journey
Cận Tết, cả làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách...
Năm nay thời tiết khá thuận lợi, ít mưa có nắng hanh khô nên hầu hết các gốc bưởi Diễn của người dân Phú Diễn...
Các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 cần được tổ chức trang trọng, sáng tạo, độc đáo thu hút...
Ngày 8/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vinh dự được đề cử và nhận Giải thưởng “Điểm đến du...
Những ngày này, trong không khí Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di...
Vở diễn "Tấm Cám" chuẩn bị cho dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tới của sân khấu Lệ Ngọc sẽ không có nhân vật Bụt mà...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông...
Chiều 27/4 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Thông...
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 được tố chức từ ngày 29/4/2022 - 1/5/2022 tại khu vực tuyến phố đi bộ...
Sáng 16/4, tại Khu du lịch Ao Vua, UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2022 với...
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de vừa đăng bài viết nêu 6 điểm hấp dẫn khiến du khách phải...
Ngày 7/4, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế trong...