“Muốn ăn cơm trắng cá mè, muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”, câu ca dao có tự bao giờ là lời khẳng định chất lượng của nón lá làng Chuông, một loại nón phổ biến của vùng Bắc Bộ, dày dặn, chắc chắn, nhưng cũng không kém phần duyên dáng.
Theo người xưa truyền lại, làng Chuông vốn không phải là làng nghề làm nón. Làm nón chỉ là nghề phụ tăng thêm thu nhập cho người dân, nhưng rồi, sự khéo léo và chăm chỉ đã biến việc làm nón trở thành một nghề, và đưa làng Chuông nổi danh thiên hạ.
Ngày nay, cũng chính nón lá đã khiến cho làng Chuông trở thành điểm đến du lịch, thu hút du khách gần xa. Đặc biệt, các phiên chợ của làng họp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch đã trở thành điểm hẹn của nhiều người từ tận nơi xa tìm đến.
Trong đó, chợ phiên ngày mùng 10 tháng Ba là chợ đón nhiều du khách nhất, bởi lẽ chợ họp ngay trước giờ mở hội làng.
Phiên chợ nón lá làng Chuông
Chợ phiên nón là làng Chuông là phiên chợ độc đáo. Vốn hàng ngày chợ họp bán đủ mọi mặt hàng, nhưng chỉ trong các ngày chợ phiên mới có bán nón - "đặc sản" của làng. Bởi vậy, muốn mua nón làng Chuông, hãy tìm đến vào các ngày chợ phiên âm lịch.
Chợ họp ngay trong sân chùa Chuông, từ rất sớm. Trong ánh đèn loang loáng, những chồng nón trắng, những chiếc vành nâu, nhưng sợi chỉ đỏ và những tiếng người lao xao mua bán tạo nên một khung cảnh thu hút những ai lần đầu đến chợ.
Chợ họp nhanh nên người đi chợ phải đi từ rất sớm. Người muốn đến chơi cũng phải đi từ lúc tinh mơ, mới có thể bắt được cái không khí náo nhiệt và màu sắc riêng có của chợ nón.
Trời còn mờ tối, từng nhóm phụ nữ buôn bán đã trao đổi rất khẩn trương các mặt hàng từ nón lá thành phẩm đến tất cả các nguyên liệu phụ kiện như lạt tre, vành nón, dây khâu...
Vành nón và các vòng nón làng Chuông được chuốt bằng tre cật, vót tròn nhẵn và đều. Các mối nối mịn, vuốt không gợn, không vấp để cho vành tròn thì nón mới đẹp.
Lá làm nón là lá cọ, được mua từ Phú Thọ, hay xa hơn là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lá mang về phải vò trong cát rồi đem phơi. Khâu phơi lá cũng đòi hỏi sự chú ý cao vì nắng quá hay mưa quá, lá sẽ không có được màu trắng ngà.
Cũng như nhiều nghề truyền thống khác, nghề nón làng Chuông đang đối mặt với sự mai một. Người trẻ ở làng Chuông ai cũng biết làm nón, nhưng do làm nón mang lại thu nhập không cao nên nhiều người không muốn theo đuổi nghề.
Những người già ở làng Chuông và những phiên chợ nón Chuông là nhân tố quan trọng duy trì nghề truyền thống của làng, đưa làng trở thành điểm đến của những du khách muốn tìm hiểu về làng quê Bắc Bộ.
Lễ hội làng Chuông
Sau khi chơi chợ Chuông, du khách sẽ thường ăn sáng tại chợ, thưởng thức các món ăn kiể địa phương, sau đó nghỉ ngơi chờ đợi làng mở hội.
Hội làng diễn ra ngay trong sân chùa, đặc biệt nổi tiếng với hội cờ người và hội thi thổi cơm hiếm nơi nào có.
Ấn tượng nhất là hội thi thổi cơm. Hội thi có 8 đội tham gia, mỗi đội 3 người, bao gồm cả những cô gái rất trẻ, cả những phụ nữ đứng tuổi. Tất cả đều trang điểm đẹp xinh trong trang phục áo từ thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao của phụ nữ Bắc bộ xưa.
Mỗi đội gồm ba người, 1 người gánh 2 chiếc nồi, 2 người còn lại cầm bó củi tre dài, vừa đi vừa giữ lửa nấu cơm.
Những bó củi tre dài được bó chặt và sẽ được dùng để đun nồi trong khi di chuyển.
Cuộc thi thể hiện sự khéo léo của những người phụ nữ làng Chuông.
Một không khí thật sôi động phấn khích trên nét mặt của cả người dự thi và dự khán.
Sau gần 30 phút, các nồi cơm sản phẩm được trình cho Ban giám khảo chấm theo các tiêu chí cơm ngon, không khô không cháy, trang phục của đội thi đẹp, thái độ trình diễn đẹp...
Phần thưởng là các giải nhất nhì ba và khuyến khích. Những người tham gia ai nấy đều vui dù trên khuôn mặt vẫn lấm tấm mồ hôi bởi tiết trời oi bức và củi lửa trên sân thi.
Làng Chuông nằm cách trung tâm Hà Nội 30km, ven đường quốc lộ 21B, thuộc địa phận xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội. Làng Chuông nằm trong vùng có nhiều làng nghề truyền thống: như làng Chuông làm nón lá, là làng Vác làm lồng chim, làng giò chả Ước Lễ. Chợ làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch, bán mặt hàng duy nhất là nón. Hội làng Chuông mở vào mùng 10 tháng 3 âm lịch. |
Bài và ảnh: Nguyễn Hóa Học