Thời thơ ấu, Sara Ghenem thường ngắm nhìn những ngọn núi cao gần biển Đỏ từ ban công của nhà cô lúc hoàng hôn. Sara luôn mong ước một ngày nào đó cô sẽ chinh phục dãy núi ngoài sa mạc nằm tại rìa thành phố Hurghada (Ai Cập). Thế nhưng, cô hiểu rằng điều này không dễ dàng vì chỉ có Bedouin - tộc người du mục sống trên sa mạc - biết con đường đi bộ đến núi.
Đường mòn biển Đỏ giúp Sara Ghenem hiện thực hóa giấc mơ. Ảnh: Time Magazine.
Năm 2019, bác sĩ Sara Ghenem đã thực hiện ước mơ leo lên ngọn núi cao sừng sững khi tham gia nhóm đi bộ dọc theo đường mòn biển Đỏ (RSMT) dài 257 km mới được mở ra. Đây là cuộc phiêu lưu mạo hiểm kéo dài 10 ngày vượt qua các hẻm núi, đèo dốc và sa mạc. RSMT là con đường mới nhất nằm trong dự án du lịch cộng đồng hỗ trợ phát triển nền kinh tế địa phương, thắt chặt mối quan hệ giữa du khách và cư dân bản địa. Khu vực Trung Đông đang trở thành điểm đến lý tưởng của hình thức "du lịch chậm" này.
Hình thức trải nghiệm được yêu thích
Những năm gần đây, các con đường xuyên qua sa mạc và dãy núi cao đã được xây dựng ở khu vực Trung Đông, bao gồm: Đường mòn xuyên qua bán đảo Sinai của Ai Cập dài 550 km, đường mòn xuyên núi Lebanon dài 470 km được mở ra năm 2007 hay đường mòn Di sản Palestine dài 330 km mở cửa năm 2014, theo National Geographic.
Những du khách đi bộ trên đường mòn Jordan. Ảnh: Lonely Planet.
Năm 2017, đường mòn Jordan dài 650 km được hình thành, thu hút những người yêu thích đi bộ đường dài (hiking). Du khách tham gia cuộc hành trình sẽ đi dọc từ bắc xuống nam Jordan, được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với những cánh rừng cây olive, thung lũng xanh mướt, bãi cát trắng xóa hay tham quan thành phố cổ Petra - Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận - khi đến vùng sa mạc phía tây nam.
Tuy vậy, hình thức đi bộ đường dài hầu như không phát triển ở khu vực này trong quá khứ. Năm 1990, hai nhà leo núi kỳ cựu người Anh Tony Howard và Di Taylor lần đầu tiên lập bản đồ con đường mòn ở Jordan nhưng không được người dân địa phương ủng hộ.
"Họ thích lái xe hơn đi bộ", Tony Howard tiết lộ.
Du khách được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp khi đi bộ đường dài. Ảnh: Kandoo Adventures.
Sau đó, đi bộ đường dài trở thành hình thức giải trí và trải nghiệm yêu thích của cư dân ở Trung Đông. Nhiều nhóm đi bộ đường dài đã được thành lập ở Riyadh (Saudi Arabia), Amman (Jordan)... Nguyên nhân của sự gia tăng hình thức đi bộ đường dài do những tuyến đường này gợi nhắc về lịch sử vận tải và thương mại lâu đời ở Trung Đông, theo National Geographic.
Từng bước vượt qua định kiến
Nhiều du khách nước ngoài ủng hộ hình thức đi bộ đường dài để khám phá Trung Đông. Tuy nhiên, Tony Howard cho biết một số khách du lịch nước ngoài có quan niệm rằng Trung Đông là khu vực không an toàn để thực hiện những chuyến đi dài.
"Đã có những sự cố như 3 thanh niên Mỹ bị bắt giữ khi đi bộ đường dài từ Iraq đến Iran năm 2009, hay vụ đánh bom khủng bố chiếc xe bus du lịch ở Ai Cập năm 2019. Nhưng những thảm kịch như thế hiếm khi xảy ra", Tony Howard nói với National Georaphic.
Cô gái đi bộ đường dài một mình ở Trung Đông. Ảnh: Lonely Planet.
Một lo ngại khác là phụ nữ không được đảm bảo an toàn khi đi bộ đường dài ở Trung Đông. Hamsa Mansour, nhà làm phim tài liệu người Ai Cập, chia sẻ quấy rối phụ nữ là vấn nạn nghiêm trọng ở khu vực Trung Đông. "Phụ nữ gặp nhiều khó khăn khi sống ở Cairo", Hamsa tiết lộ.
Song, Hamsa - người phụ nữ đã đi bộ đường dài ở Ai Cập và Morocco - thừa nhận cảm thấy tự do khi khám phá thiên nhiên hoang dã, thay vì sự ngột ngạt, tấp nập của cuộc sống tại thành phố. "Tôi cảm thấy an toàn nhất khi đi bộ đường dài", Hamsa trả lời National Geographic.
Bài học trên con đường mòn
Đi bộ đường dài cùng với hướng dẫn viên địa phương không chỉ giúp khách du lịch thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục ở Trung Đông, mà còn tìm hiểu nền văn hóa truyền thống của các bộ tộc ít người. Ben Hoffler, tác giả của Sinai: The Trekking Guide, khẳng định du khách may mắn khi gặp những người bảo vệ cuối cùng của nền văn hóa du mục cổ xưa.
Sheikh Merayi Abu Musallem, người đứng đầu bộ tộc Kushmaan, đang tạo điều kiện để những thành viên trẻ trong bộ tộc làm hướng dẫn viên cho các nhóm đi bộ đường dài. Điều này đảm bảo sinh kế lâu dài cho Kushmaan, đồng thời giữ gìn bản sắc của bộ tộc và trao đổi văn hóa với thế giới bên ngoài.
"Thế hệ trẻ Kushmaan học được những điều tốt nhất trên con đường mòn", Musallem nói với National Geographic.
Theo Zing News
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |