Vào mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 12), khi con nước từ đầu nguồn biên giới tràn về mang theo nhiều nguồn lợi thủy sản và sự trù phú màu mỡ phù sa vào đồng ruộng, rừng tràm Trà Sư (ấp Văn Trà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cũng bắt đầu khoác lên mình một màu xanh thẳm như bức tranh phong cảnh đẹp đến ngỡ ngàng khi con nước tràn bờ.
Du khách xuống vỏ lải di chuyển qua trạm vận chuyển khách tham quan rừng cách nơi bán vé khoảng 100m nơi đây có các nhà lồng nuôi bồ câu trắng với hàng trăm con bay lượn
Rừng tràm Trà Sư là khu rừng ngập nước với diện tích 845ha vùng lõi và 640ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, nằm cách TP. Long Xuyên (An Giang) khoảng 60 km.
Đến khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư du khách di chuyển men theo tuyến Quốc lộ 91 hướng đi thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên đến ngã 3 rẽ trái, qua những con dốc ở núi Két, du khách sẽ được ngắm nhìn những cánh đồng thốt nốt ven hai bên đường tuyệt đẹp.
Du khách khoảng 3 - 5 người lên 1 chiếc xuồng ba lá nhỏ được nhân viên bơi men đường mòn nhỏ sâu vào bên trong rừng với đoạn đường khoảng 800m ngắm nhìn thiên nhiên hoang dã
Đến khu du lịch Trà Sư, du khách sẽ tận hưởng được những chuyến đi xuyên rừng bằng “vỏ lãi”, phương tiện di chuyển đặc trưng của miền Tây sông nước, bắt đầu hành trình khám phá.
Anh Ngô Bửu Điền, nhân viên làm việc tại rừng Trà Sư cho biết, khoảng thời gian rừng tràm nhộn nhịp nhất là vào lúc sáng sớm, khi các loài chim trú ngụ trong rừng tỏa ra đi kiếm ăn và chiều tà khi chúng tập trung về tổ.
Du khách đi vỏ lải tham quan rừng, hai bên bờ kinh hàng tràm với hình mái vòm hút mắt với vẻ đẹp lung linh
Sau đó, anh Điền điều khiển chiếc vỏ lãi lướt đến cánh đồng sen rộng 7ha, nơi du khách sẽ được đắm mình vào bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp của biển hoa sen hồng thơm ngát hương. Đi vào sâu bên trong rừng chiếc vỏ lãi lướt nhanh qua những con kinh dài với hai bên bờ là những cây tràm xanh ngút, đẹp hút mắt. Hai bên bờ trên những cây tràm to là những tổ Chim, Cò và những con Cò, Vạc đậu làm cho du khách một cảm giác gần gũi với thiên nhiên. “Hiện rừng Trà Sư là nơi trú ngụ của 70 loài chim, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là Giang Sen (Mycteria leucocephala) và Điêng Điểng (Anhinga melanogaster), 140 loài thực vật” - anh Điền chia sẻ.
Trên đài quan sát du khách nhìn xuống phía dưới với bao la vùng xanh của rừng
Đến khu trung tâm giữa rừng du khách có thể trèo lên đài quan sát để quan sát chiêm ngưỡng cả một vùng rừng tràm bao la, những bầy cò trắng, những đàn chim bay lượn. Với những khung cảnh lấp ló hình dáng của những ngọn núi trong dãy Thất Sơn, “nóc nhà” của Đồng bằng sông Cửu Long…
Từ khu trung tâm rừng, du khách sẽ được trải nghiệm đi chiếc xuồng ba lá trên vùng nước phủ đầy bèo tai tượng trên nước đi tham quan vòng quanh rừng tràm ngắm hàng trăm con Cò, Vạc, Chích đậu sinh sống trong thiên nhiên hoang dã…
Cây cầu “Tình yêu” dài hàng trăm mét đưa đu khách tản bộ đi sâu vào bên trong khu rừng tràm bao la
Phía trong khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư còn có nhà hàng với những món ăn đặc sản, dân dã đậm chất Nam bộ như: chuột đồng nướng lu, lươn nướng ghiền, ếch chiên xù, ếch nướng mọi, cá lóc nướng trui, lẩu cua đồng, lẩu mắm... đặc biệt vào mùa nước nổi du khách có thể thưởng thức lẩu chua cá linh non hoặc lẩu mắm ăn kèm với những rau rừng tự nhiên ở tại nơi đây như đọt choại, dương xỉ, rau muống đồng, đọt nhãn lồng…
Đăng Khôi/ thoidai.com.vn