Hoạt động kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương bắt đầu với triển lãm sắp đặt và biểu diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Bước vào nhà hát, khán giả đắm mình trong không gian mô phỏng vùng đất Nam Bộ mênh mông sông nước với những hàng dừa xanh, những con đò lênh đênh trên sóng. Ở vùng đất ấy, những người dân hiền lành, chất phác sau mỗi vụ mùa lại quây quần bên nhau để cùng gảy lên những cung đờn, cất lên giai điệu quê hương mượt mà, tha thiết.
Những tiểu cảnh sắp đặt về sinh hoạt đờn ca tài tử của người dân Nam Bộ mang đến cho khán giả những hoài niệm đẹp. Trong không gian ấy, ban tổ chức giới thiệu đến người mộ điệu sân khấu cải lương những đạo cụ, phục trang của các nhân vật trong những vở cải lương nổi tiếng một thời. Đó là dàn lễ bộ trong vở Thái hậu Dương Vân Nga; là phục trang của quan văn, quan võ hay những chiếc áo dài là phục trang của các nghệ sĩ trong vở Nửa đời hương phấn và Đời cô Lựu.
Dịp này, những khán phòng tại Nhà hát Trần Hữu Trang giới thiệu đến người hâm mộ cải lương không gian biểu diễn đờn ca tài tử, biểu diễn trích đoạn những vở cải lương nổi tiếng một thời. Qua đó, người mộ điệu có dịp tìm hiểu chuyện diễn ra sau “cánh màn nhung” của những suất diễn cải lương cách nay mấy chục năm. Từ cách hóa trang, những kỹ xảo thực hiện các mảng miếng giao chiến, bay lượn trên sân khấu đều được “bật mí” với khán giả...
Hoạt động ấn tượng khác là triển lãm chân dung nghệ sĩ cải lương qua nét vẽ của họa sĩ Trương Văn Ý. Hơn 100 bức chân dung từ những tên tuổi gạo cội như Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), soạn giả Viễn Châu; NSND, soạn giả Năm Châu; soạn giả Hoa Phượng; nhạc sĩ Cao Văn Lầu; NSND Phùng Há đến những thế hệ sau này như các Nghệ sĩ Ưu tú: Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Vũ Linh, Lê Tứ…đã cho khán giả cái nhìn khái quát về những tên tuổi đã góp phần làm nên 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương. Với bộ sưu tập chân dung này, tấm lòng của họa sĩ Trương Văn Ý thật đáng trân trọng.
Chương trình đã tạo ra không gian mang nhiều hoài niệm, gợi nhớ về những giai đoạn rực rỡ của môn nghệ thuật được xem là “đặc sản” của phương nam…
Theo nhandan.com