Chợ Bình Tây (hay còn được gọi chợ Lớn, chợ Lớn mới) do ông Quách Đàm (tức Thông Hiệp) một người Hoa gốc Triều Châu bỏ tiền ra đầu tư xây dựng năm 1928. Ông là thương gia nổi tiếng giàu có bậc nhất thời bấy giờ, chuyên buôn bán lúa gạo ở vùng Chợ Lớn và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để xây dựng nên chợ Bình Tây, ông đã thuê kỹ sư người Pháp thiết kế theo kỹ thuật phương Tây, nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Á Đông. Khi khu chợ khai trương vào năm 1930, nó trở thành là ngôi chợ đồ sộ, quy mô hiện đại bậc nhất ở Nam Kỳ lúc bấy giờ.
Khu chợ có diện tích khoảng 28.000m2 gồm 4 khu nhà quây xung quanh một sân ở giữa theo hình chữ Khẩu. Các mái chợ được lợp bằng ngói âm dương kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng.
Phía trước cổng chính đi vào chợ có một tháp đồng hồ vươn cao có 4 mặt và được chạm khắc "lưỡng long chầu châu" và các họa tiết nổi bật.
Phần mái ở các góc chợ uốn lượn, có đắp họa tiết rồng phượng theo kiến trúc của chùa chiền phương Đông.
Khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát ở giữa chợ là nơi đặt tượng ông Quách Đàm, được bà con tiểu thương thờ cúng, coi như Thần Tài của khu chợ.
Chợ có 12 cổng nhỏ thông ra bốn hướng và một cổng chính trực diện bến xe Chợ Lớn; là cửa ngõ về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuận lợi cho giao thông, vận chuyển hàng trên bến dưới thuyền.
Qua 3 lần trùng tu, cải tạo, ngôi chợ vẫn giữ được nét kiến trúc cũ, mang đậm truyền thống Á Đông kết hợp kiến trúc xây dựng hiện đại phương Tây, tạo nên điểm nhấn độc đáo cho công trình đã được TP. HCM xếp hạng di tích. Đây cũng là điểm đến ưa thích của nhiều khách du lịch nước ngoài khi muốn tìm hiểu về đời sống lịch sử văn hóa của TP. HCM.
Với lối kiến trúc cổ xưa, cùng bề dày lịch sử, sự phong phú của các chủng loại hàng hóa, chợ Bình Tây đang mở ra hướng phát triển mới là điểm du lịch, tham quan, mua sắm, khám phá ẩm thực, trải nghiệm văn hóa chợ của du khách khi đến với TP.HCM.
Phạm Hằng