Căn cứ thành lập Chiến khu Đông Triều - chùa Bắc Mã và đình chùa Hổ Lao trở thành địa chỉ ôn lại truyền thống hào hùng
75 năm trước, vùng đất Đông Triều (Quảng Ninh) là cái nôi ra đời của một chiến khu trong Cách mạng tháng Tám, hình thành căn cứ của lực lượng du kích từ những ngày tiền khởi nghĩa. Chùa Bắc Mã, đình và chùa Hổ Lao là nơi thường xuyên tiếp đón, tập hợp các cán bộ Việt Minh, bàn việc kháng Nhật, diệt phỉ...
Tháng 4/1945, Nguyễn Bình - người sau này được Bác Hồ phong quân hàm Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã gặp gỡ và cùng thống nhất đội ngũ cách mạng. Lực lượng Việt Minh có sức ảnh hưởng ngày càng lớn từ Đông Triều tới Chí Linh, vừa tuyên truyền tinh thần cách mạng cho thợ mỏ Mạo Khê, nông dân Đông Triều, vừa vận động binh lính trong các đồn bốt của địch, âm thầm quyên góp, sắm sửa vũ khí, chuẩn bị lực lượng nổi dậy.
Ngày 8/6, tiếng súng khởi nghĩa đồng loạt nổ, quân khởi nghĩa chiếm huyện lỵ Đông Triều, đánh hạ đồn Chí Linh, đồn Tràng Bạch và buộc đồn binh Nhật ở Mạo Khê đầu hàng...
Ông Nguyễn Quang Nhạ, nguyên Bí thư huyện ủy Đông Triều (nay là TX Đông Triều) cho biết: "Trong cả nước lúc bấy giờ, phong trào cách mạng rất mạnh nhưng chưa có nơi nào khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay tại thủ đô Hà Nội, ngày 19/8 mới tổng khởi nghĩa giành. Ngày 25/8 mới giành chính quyền ở Hải Phòng. Trong khi đó, Đông Triều ngày 8/6/1945 đã khởi nghĩa thắng lợi, đóng góp một phần hết sức quan trọng vào việc giải phóng toàn bộ vùng Đông Bắc của Tổ quốc."
Chiều ngày 8/6, Uỷ ban quân sự cách mạng tổ chức mít tinh kêu gọi người dân ủng hộ Việt Minh, tuyên bố thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo (Còn có tên là Chiến khu Đông Triều, Đệ tứ Chiến khu), đưa phong trào và lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng trên toàn vùng duyên hải Bắc bộ. Tháng 7/1945, dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Chiến khu Nguyễn Bình, sự ủng hộ của đông đảo người dân và binh lính địch đã được giác ngộ, lực lượng cách mạng tổ chức trận đánh giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên (bao gồm toàn bộ khu vực phía Tây Quảng Ninh hiện nay).
Ông Phạm Công Thành, một thành viên Thanh niên cứu quốc, nay đã ngoài 90 tuổi vẫn nhớ như in, ngày 20/7/1945, hai mũi quân từ đảo Hà Nam đi đò sang trung tâm Quảng Yên, phối hợp cùng lực lượng tại chỗ tấn công trực diện vào Dinh Tỉnh trưởng, buộc địch đầu hàng vô điều kiện.
Ông Phạm Công Thành (ảnh chụp năm 1945), nhân chứng cuộc tiến công giành chính quyền tại Quảng Yên
Ông Phạm Công Thành chia sẻ: "Viên tỉnh trưởng bàn giao tài liệu, ra lệnh cho các cơ sở của lính khố xanh phải đầu hàng, giao lại chính quyền cho Việt Minh. Lúc bấy giờ ta yên tâm, giao cho một đồng chí tự vệ kéo cờ tam tài của chúng xuống, kéo cờ đỏ sao vàng của mình lên. Các tổ thanh niên chúng tôi đi tuyên truyền cho dân xóm: Việt Minh về giải phóng Quảng Yên, giải phóng cho nhân dân, nhân dân yên tâm mở cửa, bán hàng, sinh hoạt bình thường. Nhân dân hết sức phấn khởi, tổ chức mít tinh ủng hộ..."
Dinh Tỉnh trưởng Quảng Yên, nay là trụ sở UBND TX Quảng Yên. Đây là nơi chứng kiến sự kiện giành chính quyền năm 1945 của lực lượng khởi nghĩa
Chính quyền bù nhìn tại Quảng Yên sụp đổ, Việt Minh kiểm soát toàn bộ tình hình. Chiến thắng không tốn một giọt máu, một viên đạn nào nhờ chọn đúng thời cơ tiến công, công tác binh vận và sự chuẩn chu đáo, lâu dài. Quảng Yên trở thành tỉnh lỵ đầu tiên được giải phóng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Từ Chiến khu Đông Triều, các đơn vị vũ trang nhanh chóng về các khu mỏ hỗ trợ công nhân và nhân dân giành chính quyền, ngăn chặn sự chống phá của các lực lượng phản động Việt Quốc, Việt Cách. Cuối tháng 8, chính quyền Cách mạng tại Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông được thành lập. Phong trào khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng khắp tỉnh Hải Ninh (nay là khu vực miền đông Quảng Ninh), đồng bào các dân tộc đồng loạt đứng lên đấu tranh giành chính quyền.
Giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại khu mỏ Hòn Gai (tranh tại Bảo tàng Quảng Ninh)
Những ngày Cách mạng tháng Tám lịch sử đã qua 75 năm, hào khí của Chiến khu Đông Triều, chiến thắng Quảng Yên và các cuộc khởi nghĩa của công nhân mỏ, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh vẫn mãi vang vọng, là mốc son trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Vùng mỏ kiên cường và cũng là động lực để Vùng mỏ hôm nay làm nên những kỳ tích mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước./.
Trường Giang/VOV Đông Bắc