Trong không gian ấm cúng, những làn điệu chầu văn, đàn bầu hay tiết mục múa rối nước… của các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long đã gây ấn tượng mạnh và chinh phục hoàn toàn du khách. Mới đi vào hoạt động từ năm 2017, nhà hát đã trở thành điểm đến của hơn 1000 lượt khách mỗi ngày, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế.
Màn múa rối nước mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm văn hóa độc đáo, nhất là với du khách nước ngoài
Đều đặn mở màn lúc 16h30, 17h30, 19h30 chương trình biểu diễn hàng ngày của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long kéo dài hơn 40 phút, tái hiện bức tranh làng quê, cuộc sống của người dân vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Những tiết mục như trích đoạn chèo, dân ca Quan họ, hát chầu văn, độc tấu đàn bầu và đặc biệt là màn múa rối nước đã mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm văn hóa độc đáo, nhất là với du khách nước ngoài.
Các tiết mục nghệ thuật dân gian đặc sắc
Gần 40 diễn viên, nhạc công của Nhà hát đều được đào tạo bài bản từ các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Dù vậy, anh Phạm Tiến Đoàn, một nghệ sĩ trẻ chia sẻ để có được thành công ngày hôm nay, bên cạnh đam mê với nghề, sự ủng hộ của khán giả là động lực vô cùng to lớn đối với anh và các đồng nghiệp:
“Là một người nghệ sĩ, khi thực hiện các bài hát, hay những tích trò, đối thoại của nhân vật rối thì mình vô cùng vui mừng, vui sướng khi đón nhận những tràng vỗ tay hào hứng. Bản thân mình rất mong muốn làm sao để nghệ thuật chúng ta có thể được quảng bá rộng rãi không chỉ tới khán giả trong nước mà còn lan tỏa ra ngoài nước để làm sao khán giả của các nước biết đến nghệ thuật dân tộc Việt Nam, đó là điều rất là đáng quý” - anh Tiến Đoàn chia sẻ.
Một ngày 4 suất diễn nhưng nhà hát 300 chỗ thường kín khách
Với lợi thế của thành phố biển thu hút hàng chục triệu lượt du khách mỗi năm. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long đang hướng tới hoàn thiện một sản phẩm du lịch mới khi đem nghệ thuật truyền thống dân tộc đến với công chúng. Nhằm tạo sự đa dạng trong các loại hình nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người xem, các chương trình nghệ thuật đều liên tục được làm mới.
Ông Dương Văn Quý, Giám đốc Nhà hát cho biết: “Cái chúng tôi hướng đến chính là sự phát triển nghệ thuật truyền thống, chính vì thế chúng tôi kết hợp xây dựng một sân khẩu hiện đại kết hợp cả ca múa nhạc dân tộc, đạo cụ và múa rối nước và trong những chương trình diễn thì chúng tôi luôn phát 3 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung để du khách hiểu được nội dung mà chúng tôi muốn truyền tải. Chính vì thế hơn 1 năm nay chúng tôi cảm nhận rằng du khách rất hài lòng vì họ đã xem và hiểu được cái nội dung đó, và chúng tôi cũng cảm thấy rất tự hào khi là cầu nối giúp họ hiểu được những giá trị văn hóa dân tộc của Việt Nam".
Múa hát "Cô đôi thượng ngàn" là một trong làn điệu tín ngưỡng của người Việt Nam, được hát ở các đền thờ Mẫu
Những tiết mục múa đặc sắc
Đến với Hạ Long, du khách không chỉ trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thưởng thức những loại đặc sản biển thơm ngon mà còn được tìm hiểu, cảm nhận những giá trị văn hóa tinh thần độc đáo. Dù mới đi vào hoạt động được gần 2 năm nhưng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long đã, đang và sẽ là địa chỉ không thể bỏ qua trong hành trình của nhiều tour du lịch trong nước và quốc tế khi đến với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Duy Thái - Mai Linh/ VOV Đông Bắc