Văn hóa

Điểm hẹn của những người yêu nghệ thuật điêu khắc

10:44 - 12/11/2019
Art in the Forest (AIF - nghệ thuật trong rừng) tại Flamingo Đại Lải Resort (Vĩnh Phúc) không còn là cái tên xa lạ với những người yêu nghệ thuật như cách đây 5 năm khi dự án khởi động.

Giờ đây, không chỉ là một tên gọi, AIF đã là điểm hẹn của nghệ thuật và những người yêu nghệ thuật, muốn làm giàu đời sống tinh thần và sự thư thái thưởng lãm. Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort cũng nhờ đó nổi lên như một điểm đến đẳng cấp hơn.

AIF và những thứ duy nhất

Với chủ đề “Hội họa sơn mài và điêu khắc quốc tế”, Chương trình “Không gian nghệ thuật Flamingo - Art In The Forest 2019” có sự góp mặt của 10 họa sĩ, 7 nhà điêu khắc trong nước và thế giới, như: Nhà điêu khắc Ariel Moscovici, nhà điêu khắc Floyd Elzinga, nghệ sĩ Sha Sha Higby, nghệ sĩ Nobuyuki Takana, nghệ sĩ Mukhai Katsumi... Nằm giữa không gian xanh tự nhiên của núi rừng Đại Lải, mỗi tác phẩm là một ý tưởng, một phong cách nhưng đều là thành quả của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và ẩn chứa trong đó những câu chuyện rất riêng.

Trình diễn bên các tác phẩm nghệ thuật của AIF.

Không chỉ dừng lại ở những thứ hiển hiện trước mắt, nhiều chuyên gia đánh giá, Flamingo Đại Lải Resort còn là miền đất lành cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, tạo điều kiện cho họ thể hiện tài năng và có thêm động lực cho con đường nghệ thuật trong tương lai. Đặc biệt với các nghệ sĩ trẻ tài năng thì nơi đây chính là bệ đỡ cho họ khi chính ở đây, lần đầu tiên họ có tác phẩm xứng đáng và định hình phong cách.Theo đánh giá của giới nghiên cứu, phê bình nghệ thuật, hiện nay, ở Việt Nam AIF là nơi duy nhất làm được nhiều việc có ý nghĩa, đặc biệt với nghệ thuật điêu khắc. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá cao những thành quả mà dự án nghệ thuật này đã đạt được trong 5 mùa qua. Theo ông Đoàn, không gian nghệ thuật trong rừng là bước đi tiên phong trong bối cảnh điêu khắc ngoài trời ở Việt Nam còn gặp nhiều lúng túng khi hòa hợp điêu khắc với khung cảnh thiên nhiên, kiến trúc xung quanh, nhất là với những công trình điêu khắc đồ sộ về kích thước và trọng lượng. Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cũng đánh giá cao việc Flamingo Đại Lải Resort tạo ra được sự hòa hợp của thiên nhiên, nghệ thuật và môi trường nhân tạo. Ông Quân cho rằng, lâu nay, các công ty, họa sĩ Việt Nam tìm cách giao hòa với thế giới thông qua các triển lãm, workshop chung ở các gallery hay trung tâm thương mại… AIF là nơi duy nhất mời được các tác giả thế giới với những tác phẩm đặc sắc. Các nghệ sĩ nước ngoài cũng cho thấy thái độ tôn trọng với công chúng Việt Nam qua tác phẩm. Bởi bình thường, nếu muốn xem tác phẩm của họ ở Việt Nam dường như rất khó.

Dấu ấn của nền nghệ thuật Việt Nam

5 năm không phải là quãng thời gian quá dài hay quá ngắn nhưng cũng đủ để AIF khẳng định tên tuổi và sự bền bỉ, kiên trì cho một dự án nghệ thuật đặc sắc. Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, đồng sáng lập, Giám tuyển AIF cho biết: “AIF hiểu rằng, những người làm nghệ thuật chân chính rất vất vả và khó khăn trong giai đoạn hiện nay, khi xã hội phát triển nóng với tầm nhìn ngắn hạn dẫn đến nhiều thay đổi không tích cực. Người nghệ sĩ không nằm ngoài vòng xoáy phát triển ấy. Những ước mơ, lý tưởng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, bị lung lay, biến đổi hoặc bào mòn bởi những giá trị xã hội đảo lộn hoặc thiếu sự quan tâm, đồng cảm. Chúng tôi cố gắng và đang tạo ra tác động tích cực đến các nghệ sĩ trẻ bằng cách trao cho họ cơ hội thực hành, thể hiện tác phẩm một cách tốt nhất; khơi gợi, thúc đẩy, giúp họ nuôi dưỡng những hoài bão cùng niềm tin vào giá trị nghệ thuật chân chính. Đồng thời, chúng tôi tôn vinh những nghệ sĩ đã cống hiến cuộc đời mình cho sự phát triển văn hóa nước nhà, những người tạo ra ảnh hưởng tích cực đến giới nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật”.

Họa sĩ Đoàn Thúy Hạnh chia sẻ, dù mình không có tác phẩm nhưng vẫn luôn theo dõi quá trình hoạt động của dự án này. “Qua thời gian, AIF từng bước vươn tới tầm quốc tế và là niềm tự hào của các họa sĩ Việt Nam nói riêng, của người Việt Nam nói chung. Tôi đã tham dự nhiều triển lãm quốc tế và thấy rằng Việt Nam chúng ta không hề thua kém. AIF còn cho thấy, nghệ sĩ Việt đang dần bước ra khỏi phòng tranh để tiếp cận nghệ thuật theo hướng hiện đại”, chị Hạnh nói.

Qua từng năm, bộ sưu tầm nghệ thuật của AIF mỗi ngày một thêm dày. AIF trở thành nơi lưu giữ tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại ở thời kỳ sung sức. Công việc lưu giữ này nhằm tiến đến mốc cuối cùng của chặng đường: Một bảo tàng nghệ thuật đương đại dành cho hội họa và một công viên điêu khắc ngoài trời với hàng trăm tác phẩm đại diện cho một giai đoạn xã hội phát triển. Mong muốn của ban tổ chức là xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến về văn hóa nghệ thuật, một địa chỉ mang tính giáo dục về thẩm mỹ dành cho bây giờ và mai sau.

Đánh giá AIF chính là dấu ấn của nghệ thuật Việt Nam, ông Kowk Kian Chow, nguyên Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, người vừa tiếp quản không gian nghệ thuật này, nhấn mạnh: “Dự án dự định thực hiện trong 10 năm và sẽ tạo ra khoảng 100 tác phẩm. Nhưng đi được nửa chặng đường, con số tác phẩm đã hơn 100. Đó là sự cố gắng không mệt mỏi của nghệ sĩ từ nhiều quốc gia, mang lại ý nghĩa văn hóa to lớn. AIF có thể là công viên điêu khắc nghệ thuật lớn nhất Đông Nam Á. Và ở đây ta nghĩ tới tầm nhìn. Những yếu tố sinh thái năng động chính là tiềm năng lớn cho Việt Nam”.

Theo qdnd.vn