Tinh hoa văn hóa và ẩm thực ngày Tết sẽ được tái hiện chân thực cho du khách trải nghiệm
Tại đây người dân và du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc trưng của các vùng miền mang đậm hương vị Tết cổ truyền của người Việt.
Đặc sản vùng miền tại phiên chợ ngày Tết
Sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 3- 5.1.2020, tại Công viên Lê Văn Tám (TP.HCM) với 5 hoạt động chính gồm: Lễ Tết, ăn Tết, chơi Tết, chợ Tết và xem Tết. Theo đó, những phong tục truyền thống mang nhiều ý nghĩa nhân văn của người Việt, giai thoại của Tết cổ truyền, các nghi thức cúng tổ tiên, hay như nghi lễ dựng cây Nêu ngày Tết, lễ đón Giao thừa, phong tục chúc Tết, câu chuyện Lang Liêu… sẽ được trình diễn chân thực nhằm lan tỏa và truyền cảm hứng gìn giữ các giá trị tốt đẹp của người Việt trong những ngày đầu năm mới. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với những người xa quê, không có điều kiện đón Tết sum vầy cùng gia đình, đặc biệt là giới trẻ.
Đến với không gian ăn Tết, du khách quốc tế và trong nước sẽ được trải nghiệm thiên đường ẩm thực với những món ăn đậm đà hương vị trong những ngày Tết, mang đặc trưng riêng của mỗi vùng miền. Điểm nhấn là thưởng lãm màn trình diễn nghệ thuật ẩm thực đặc sắc mâm cỗ ngày Tết với những sản vật trù phú của Việt Nam, qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.
Dịp này, các hoạt động chơi Tết gắn với những lễ hội truyền thống, không gian gia đình ngày Tết, đặc biệt là không gian trải nghiệm cùng gói bánh chưng ngày Tết cũng được tái hiện sinh động nhằm giới thiệu đến du khách nét đẹp trong đời sống thường ngày của người Việt. Đặc biệt, gần 100 gian hàng theo hình thức phiên chợ ngày Tết sẽ trưng bày đặc sản khắp các vùng miền của cả nước để phục vụ nhu cầu mua sắm của công chúng chuẩn bị Tết cho gia đình.
Giữ gìn bản sắc văn hóa người Việt
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, trong bối cảnh nhịp sống hiện đại đang diễn ra hối hả như hiện nay, tinh hoa văn hóa và ẩm thực trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang dần bị bào mòn bởi tác động của đời sống kinh tế thị trường.
Lần đầu tiên tổ chức lễ hội Tết, Hiệp hội mong muốn như một lời nhắc nhở, khơi gợi ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Việt. Qua đó, tôn vinh nét đẹp văn hóa và tinh hoa nền ẩm thực nước nhà, hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự kiện dự kiến thu hút hơn 40.000 lượt người tham gia.
TS sử học Nguyễn Nhã chia sẻ, nói đến văn hóa ngày Tết là nhắc đến sự sum vầy giữa các thành viên trong gia đình, cùng quây quần bên mâm cơm với những món ăn truyền thống đậm đà hương vị cổ truyền. Không những thế, ẩm thực ngày Tết có sức hấp dẫn đặc biệt những ai đi xa cũng luôn khao khát được trở về, sự trở về với nguồn cội, với quê hương đất nước. Ẩm thực Việt Nam cũng làm mê mẩn thực khách quốc tế, vì thế thông qua lễ hội, cần hướng đến chiến lược xây dựng một thương hiệu ẩm thực du lịch quốc gia nhằm chứng minh rằng, văn hóa ẩm thực là một kho tàng cho sự phát triển kinh tế và xã hội của nước nhà.
Ông Nguyễn Trần Quang, cố vấn nội dung của lễ hội cho biết, chương trình có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa di sản văn hóa truyền thống với hiện đại, nhằm mang đến một thực cảnh ngày Xuân cho công chúng và du khách trải nghiệm, cùng chơi Tết, ăn Tết… cổ truyền của người Việt, chứ không phải là một sân khấu hóa. Qua đó, kể với bạn bè quốc tế rằng, tinh hoa ẩm thực Việt Nam đủ sức hấp dẫn làm nên điểm đến của ẩm thực thế giới.
Thời gian diễn ra lễ hội trùng với thời điểm lượng du khách trong nước và quốc tế đến TP.HCM tăng đáng kể, trong đó có kiều bào trở về quê đón Tết. Vì thế, sự kiện sẽ là điểm đến ấn tượng và hấp dẫn để du khách có nơi vui chơi giải trí, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là cùng ăn Tết cổ truyền của người Việt.
Hoàng Hải/báo Văn hóa